Đột phá trong sáng kiến để tạo lợi thế
Theo các số liệu thống kê cho thấy, trước đây phần lớn thông tin quốc tế được phát đi từ London, Paris và New York là nơi đặt trụ sở của 4 hãng thông tấn lớn hay còn gọi là “Big Four” gồm Reuters – Anh, AP và UPI – Hoa Kì, AFP – Pháp. Đây là những hãng thông tấn có quy mô toàn cầu với mạng lưới cộng tác viên, phóng viên rộng khắp và trang thiết bị chuyên nghiệp, hiện đại có khả năng thu thập, khai thác và truyền phát thông tin.
Tuy nhiên, việc lệ thuộc vào các hãng thông tấn phương Tây sẽ khiến thông tin thiếu khách quan, và tạo ra sự bất bình đẳng trong thông tin.
Nhìn nhận về vấn đề này, bà Vũ Việt Trang – Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cho biết, để đảm bảo tôn chỉ mục đích hoạt động cung cấp nguồn thông tin cân bằng, khách quan, đa dạng, các hãng thông tấn quốc gia đã dần phát triển thành những hãng thông tấn khu vực hoặc quốc tế để chủ động cử phóng viên đến các sự kiện, điểm nóng, thể hiện sự hiện diện trên toàn cầu. Đồng thời mở rộng các mối quan hệ hợp tác song phương và đa phương để đa dạng hoá nguồn thông tin quốc tế.
Một số hãng tiếp tục đầu tư để thu thập thông tin, vươn lên cạnh tranh với những “ông lớn” về thông tin. Bà Bũ Việt Trang dẫn chứng về hãng Tân Hoa xã – Trung Quốc, bên cạnh mạng lưới phóng viên tại hơn 180 cơ quan thường trú ở nước ngoài, trong đó khu vực châu Á – Thái Bình Dương là hơn 30 cơ quan thường trú, đã sử dụng vệ tinh để chụp ảnh, thu thập thông tin tại các điểm khó tiếp cận như thiên tai, vùng tâm dịch, ngoài khơi, trên không gian,…
Việc thu thập thông tin bằng những phương tiện hiện đại, có được những hình ảnh thực địa chuẩn xác đã giúp Tân Hoa xã nâng cao vị thế với những hình ảnh, thông tin độc quyền.
Theo bà Vũ Việt Trang, từ chỗ chỉ cung cấp thông tin cho hệ thống báo chí, các hãng thông tấn giờ đây cũng đều có những chiến lược tiếp cận công chúng trực tiếp, khẳng định vai trò là dòng thông tin chủ lưu – mainstrea, dán nhãn “tin giả” sau khi kiểm chứng đối với những thông tin đáng ngờ được phát tán với tốc độ siêu nhanh trên các nền tảng như Facebook, Twitter, Youtube, WhatsApp,… nhằm giúp công chúng có thể biết được thông tin chính xác và nhanh nhất.
Các hãng thông tấn, các cơ quan báo chí phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tranh thủ lợi thế từ việc ứng dụng công nghệ và nền tảng xã hội để phổ biến thông tin quốc tế một cách hiệu quả. Một giải pháp mà Tân Hoa xã gọi là “dùng công nghệ để khống chế công nghệ”.
Trong tình hình mới, các hãng thông tấn quốc gia có xu hướng tăng cường hợp tác, trong đó liên kết nội khối là một xu hướng hiệu quả khi các hãng thành viên chia sẻ và được quyền khai thác thông tin trên một nền tảng chung.
Bàn về xu hướng này bà Vũ Việt Trang lấy ví dụ về sự hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức các hãng thông tấn châu Á – Thái Bình Dương (OANA), Liên đoàn các hãng thông tấn Arập (FANA),… và mới đây nhất, tháng 11 vừa qua, các hãng thông tấn của 5 nước là Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Kyrgyzstan, Kazakhstan và Uzbekistan đã thành lập Tổ chức các hãng thông tấn Turkic (ATNA – Allianceof Turkic News Agencies).
Bà Vũ Việt Trang nhận định, một số hãng đưa ra các sáng kiến làm tốt vai trò của truyền thông chủ nhà trong các sự kiện quốc gia, khu vực và quốc tế diễn ra tại nước mình. Các hãng thông tấn như Yonhap – Hàn Quốc, TASS – Liên bang Nga, Kyodo – Nhật Bản,… đã thiết lập các nền tảng web cung cấp thông tin về những sự kiện lớn để các đối tác trên toàn cầu có thể khai thác như hệ thống thông tin INFONET của Yonhap chuyên cung cấp thông tin về các sự kiện lớn: Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, Thế vận hội Olympic Mùa đông PyeongChang,…
Về phía TTXVN, bà Vũ Việt Trang cho biết, những năm gần đây, khi diễn ra các sự kiện quan trọng trong nước như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bầu cử Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kì 2021 – 2026, SEAGames 31,… TTXVN đã lập trang sub-web bằng các ngữ tổng hợp thông tin bằng các loại hình để cung cấp cho các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước khai thác.
Thách thức trong nguồn nhân lực – rất cần đội ngũ kế cận
Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang cho biết, để có nguồn thông tin quốc tế nhanh nhạy, chuẩn xác, có bản quyền, TTXVN đã sớm mở các phân xã – cơ quan thường trú tại các địa bàn.
Lực lượng phóng viên thường trú tại địa bàn luôn sẵn sàng có mặt tại những điểm nóng trên thế giới. Hiện nay, tại địa bàn chiến sự Dải Gaza, các phóng viên thường trú của TTXVN tại Israel cũng cập nhật thông tin bằng các loại hình về diễn biến xung đột. Đây vừa là cuộc xung đột vũ trang song bên cạnh đó cuộc chiến thông tin giữa hai bên cũng cam go không kém.
“Bên cạnh thông tin thời sự quốc tế, các phóng viên thường trú ngoài nước của TTXVN thực hiện bình luận, nhận định, phân tích, thể hiện quan điểm, lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề khu vực và quốc tế cũng như đưa ra đánh giá, tác động của những vấn đề, sự kiện quốc tế, khu vực tới tình hình trong nước”, bà Vũ Việt Trang cho hay.
Theo Tổng giám đốc TTXVN, những năm gần đây, TTXVN tăng cường tuyến tin tham chiếu kinh nghiệm và bài học của các quốc gia đối với các vấn đề mới nổi ở Việt Nam. Ví dụ như thông tin về điều chỉnh chính sách của một số quốc gia để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, quản lí đất đai ở một số quốc gia.
Các hoạt động liên quan đến Việt Nam ở nước ngoài, các đoàn công tác của Việt Nam hoạt động giao lưu, xúc tiến thương mại, trao đổi văn hoá, đời sống của bà con người Việt tại các nước, công tác bảo hộ công dân,… cũng được các phóng viên thường trú ngoài nước bao quát toàn diện, thực hiện thông tin.
Bà Vũ Việt Trang nhận định, việc có nguồn tin chính thức, chính thống từ các cơ quan thông tấn của các nước là rất quan trọng để đảm bảo thông tin trung thực, chuẩn xác. Để đa dạng hoá nguồn tin có thẩm quyền, TTXVN rất coi trọng việc thiết lập quan hệ hợp tác với các hãng thông tấn nước ngoài. Bên cạnh đó, TTXVN khai thác có chọn lọc, có định hướng nguồn tin của các hãng thông tấn lớn như AP, AFP, Reuters,… và tổ chức biên dịch thông tin để thực hiện nhiệm vụ chính trị của hãng thông tấn quốc gia.
Về những thách thức trong tình hình mới, Tổng giám đốc TTXVN nhấn mạnh đến vấn đề nguồn nhân lực khi hiện nay, TTXVN rất cần có đội ngũ trẻ kế cận. “Thời gian qua, việc tuyển bổ sung lực lượng trẻ của TTXVN gặp khó khăn do buộc phải cắt giảm số lượng người làm việc và nguồn thu sụt giảm. Trong khi đó, công tác bồi dưỡng, đào tạo cần có thời gian mới có được lực lượng có kĩ năng về nghiệp vụ báo chí và sự nhạy bén chính trị để xử lí những thông tin quốc tế nhạy cảm”, bà Vũ Việt Trang cho biết.
Về câu chuyện của trí tuệ nhân tạo, theo bà Trang, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể giúp chúng ta có được những bản dịch sơ bộ một cách vô cùng nhanh chóng. Để biến những thông tin “không có tư tưởng” hoặc “tư tưởng vay mượn” trở thành một sản phẩm báo chí đòi hỏi sự hiểu biết và bản lĩnh chính trị của người biên tập viên.
Trong quá trình tác nghiệp với AI, cần tránh hai xu hướng. Một là lệ thuộc vào trí tuệ nhân tạo và hai là tẩy chay trí tuệ nhân tạo. “Việc quá lệ thuộc vào trí tuệ nhân tạo sẽ làm năng lực tư duy của chúng ta bị bào mòn. Điều này, càng trở nên nguy hiểm khi có những tình huống bất thường xảy ra. Chúng ta mất đi phản xạ nghề nghiệp, trở thành một “quân cờ” trong cuộc chiến thông tin mà lẽ ra chúng ta phải là người chơi cờ”, bà Trang nhìn nhận.
“Chúng ta cũng không nên xa lánh AI bởi AI là một nguồn tri thức của nhân loại. Bên cạnh việc dạy cho AI trở nên thông minh hơn thì các nhà báo cũng cần phải học hỏi để làm phong phú thêm tri thức, ngày một làm tốt hơn sứ mệnh của những người làm báo cách mạng Việt Nam”, bà Vũ Việt Trang cho biết thêm.
Tổng giám đốc TTXVN mong muốn thời gian tới, tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước để nâng cấp và mở rộng mạng lưới cơ quan thường trú nước ngoài nhằm trực tiếp sản xuất thông tin quốc tế ở những địa bàn trọng điểm. Đồng thời, tiếp tục được đầu tư nguồn lực cho chuyển đổi số nói chung và nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin quốc tế nói riêng.
Hoà Giang