Chuỗi tăng lợi nhuận liên tiếp, bất chấp giai đoạn Covid-19, của giới ngân hàng đã bị gián đoạn trong năm nay.
9 tháng đầu năm, thay vì đồng loạt báo lãi khủng như ba năm gần đây, kết quả kinh doanh của “giới buôn tiền” kém hơn đáng kể. 14/27 nhà băng trên sàn chứng khoán giảm lợi nhuận, tập trung vào nhóm cuối bảng xếp hạng.
Hết quý III, 8 ngân hàng có lợi nhuận chưa tới 50% kế hoạch năm, thậm chí mới thực hiện 15-30%. Phần còn lại chủ yếu hoàn thành 50-60% mục tiêu, con số khiêm tốn hơn mức tăng trưởng hai chữ số trong nhiều năm gần đây.
“Cơn gió ngược” của ngành ngân hàng năm nay đến từ sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, từ khả năng hấp thụ vốn yếu của nền kinh tế, ảnh hưởng của chi phí vốn, nợ xấu tăng cao, cho tới khó khăn của thị trường bất động sản.
Khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp suy giảm, dẫn tới thực trạng doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, vừa giảm nhu cầu vay, vừa giảm khả năng tiếp cận tín dụng do khó đáp ứng các điều kiện về tài sản đảm bảo. Lĩnh vực không được ưu tiên cho vay là bất động sản, thời gian qua lại “hấp thụ” nhiều vốn nhất, tăng trưởng gấp nhiều lần mức trung bình. Điều này dẫn tới thực trạng ngân hàng thừa vốn, nhưng không tìm được nơi để cho vay.
Diễn biến này có phần tương đồng với giai đoạn Covid-19, khi tìm cửa cho vay cũng là rào cản. Nhưng khi đó, các ngân hàng vẫn tìm cách tăng nguồn thu từ hoạt động ngoài lãi, còn nợ xấu được “hoãn” nhờ các chính sách cơ cấu lại thời gian trả nợ.
Tuy nhiên năm nay, việc “khó vay” diễn ra cùng với nhiều vấn đề khác, trong đó nợ xấu là bài toán khó. Điều này khiến các nhà băng dù muốn cho vay, nhưng không hạ chuẩn, giảm lãi sâu.
Quy mô nợ nhóm 3-5 của các ngân hàng đều tăng mạnh trong năm nay, thậm chí mức tăng tính bằng lần. Đến những tháng cuối năm, quy mô tổng nợ xấu tăng chậm lại, nhưng các khoản nợ cũ có dấu hiệu nhảy nhóm. Áp lực này làm tăng chi phí trích lập dự phòng, lại diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh gặp thách thức.
Nửa cuối năm ngoái, thanh khoản hệ thống căng thẳng. Thời điểm đó, các nhà băng lo phòng thủ, dự phòng thanh khoản, dẫn đến cuộc chạy đua huy động, có thời điểm lãi suất lên tới 11-12% một năm. Lãi suất nhanh chóng hạ nhiệt từ quý II năm nay nhưng lượng tiền gửi mà các nhà băng “nhập vào” với giá vốn cao vẫn chưa đáo hạn, đẩy chi phí vốn tăng vọt. Cho vay khó, chi phí vốn lại tăng đã ăn mòn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính.
Tại BVBank, lợi nhuận 9 tháng giảm hơn 85%, xuống còn 60 tỷ đồng. ABBank cũng từ 1.750 tỷ đồng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm ngoái, giảm về còn hơn 700 tỷ đồng. Kém tích cực nhất là NCB khi ngân hàng này thậm chí còn không ghi nhận nguồn thu từ lãi – “nồi cơm chính” của các nhà băng hiện tại. Ở nhóm trên, VPBank, Eximbank, LPBank, VietABank, VietBank ghi nhận mức giảm 20-50%.
Trong nhóm quốc doanh, Vietcombank là ngân hàng có mức tăng lợi nhuận tốt nhất trong 9 tháng với 18%. Tuy nhiên, theo VNDirect, ngân hàng này đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm nay từ mức tăng ban đầu hơn 15% xuống dưới 10%, do những thách thức kéo dài tới từ lĩnh vực bất động sản, nhu cầu tín dụng giảm, và chiến lược ưu tiên chất lượng.
Khi 9 tháng đã tăng hơn 18%, “điều này ngụ ý rằng quý IV có thể chứng kiến mức tăng trưởng âm, đặc biệt là so với mức lợi nhuận cao nhất lịch sử Vietcombank đạt được trong quý IV/2022”, theo báo cáo VNDirect.
Minh Sơn