Chiều 18/4, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức tọa đàm kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 – 2023) và kỷ niệm 15 năm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4/2008 – 19/4/2023). Tham dự có đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành; nguyên lãnh đạo Sở VHTT&DL qua các thời kỳ.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu ôn lại 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 – 2023) và kỷ niệm 15 năm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4/2008 – 19/4/2023). Văn kiện này đã đặt nền móng cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng ở Việt Nam, là ngọn cờ tập hợp, cổ vũ giới trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.
Phát huy những giá trị của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc của tỉnh đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Đến nay, toàn tỉnh có 214 di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh, 2 bảo vật quốc gia, 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hơn 2.000 di sản… Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thường xuyên được quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện thông qua các chương trình, đề tài, đề án, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa như các đề tài: “Nghiên cứu, phục dựng đám cưới dân tộc Dao Đỏ tỉnh Cao Bằng”, “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị dân ca dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao tỉnh Cao Bằng”, “Nghi lễ đám cưới của người Lô Lô trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”…
Các đại biểu trình bày tham luận làm rõ giá trị lịch sử và hiện thực của bản đề cương đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn học – nghệ thuật; thực trạng, giải pháp góp phần phát huy hiệu quả giá trị của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Tạp chí Non nước Cao Bằng phát huy vai trò bảo tồn, gìn giữ dân tộc trong xu thế truyền thống mới; Những kết quả về lĩnh vữc văn hóa huyện Nguyên Bình đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và chủ trương, đường lối phát triển văn hóa của Đảng, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy hiệu quả của Đề cương văn hóa…
Đây là dịp để các cấp, ngành, địa phương cùng toàn thể nhân dân, trong đó có những người thực hành văn hóa thấm nhuần sâu sắc hơn những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng sâu rộng của văn hóa, đồng thời chú trọng phát triển văn hóa quần chúng, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Nhìn lại để tiến xa hơn, quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Trường Huy đề nghị ngành VHTT&DL tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Bộ VHTT&DL về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, đặc biệt là Kết luận 76/KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tăng cường đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, đặc biệt là chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới; tiếp tục lựa chọn và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trình Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hoài An