Đã có 25.581 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đã được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội. Tổng số tiền giải ngân đạt 9.800 tỷ đồng.
Có 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện vay vốn với quy mô 20.188 căn hộ, tổng mức đầu tư 19.014 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.516 tỷ đồng.
Theo báo cáo của các địa phương, đến nay, giai đoạn 2021-2025 cả nước đã có 475 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 432.698 căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng.
Hiện đã có 23 tỉnh công bố danh mục 54 dự án đủ điều kiện vay vốn theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 25.884 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương đã được giải ngân số vốn khoảng 143,3 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của PV, hiện giá nhà ở xã hội tại TP Hà Nội đang giao động 17-22 triệu đồng/m2; giá thuê 99.000 đồng/m2/tháng. Thậm chí, giá mua bán chuyển nhượng các căn hộ nhà ở xã hội cũ cũng tăng gấp đôi. Điển hình, dự án nhà ở xã hội tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) ban đầu được bán với mức giá khoảng 16,5 triệu đồng/m2. Nhưng, hiện được bán lại với giá 28 – 35 triệu đồng/m2. Ngoài ra còn nhiều dự án nhà ở xã hội khác còn được rao bán ngang giá với nhà ở thương mại đã qua sử dụng. Đây là những lý do khiến việc sở hữu nhà ở xã hội của người lao động ngày càng trở nên khó khăn.
Giảm giá nhà ở xã hội
Tại hội nghị tổng kết ngành Xây dựng, đại diện các lãnh đạo Sở Xây dựng địa phương cũng đề xuất một số kiến nghị, đề xuất Bộ Xây dựng cần có chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội để giảm giá thành, giảm giá bán và giảm tiền thuê cho các đối tượng mua nhà.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, về giá bán nhà ở xã hội hiện nay, được xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, bao gồm cả chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nếu có) trong phạm vi dự án, lãi vay (nếu có).
Các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp, bao gồm chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, các khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật, lợi nhuận định mức 10% đối với phần diện tích xây dựng NƠXH không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước và kinh phí bảo trì do người mua phải nộp theo quy định không được tính vào giá bán.
Giá thuê mua được xác định như giá bán và không tính kinh phí bảo trì nhà ở do người thuê mua nộp theo quy định của Luật Nhà ở. Giá thuê do chủ đầu tư thỏa thuận với bên thuê.
Cụ thể như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, ưu đãi về thuế theo pháp luật về thuế, chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận 10% phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội, được hưởng ưu đãi đối với phần diện tích đất hoặc diện tích sàn kinh doanh thương mại và không phải hạch toán vào giá NƠXH.
Luật Nhà ở đã được Quốc hội thông qua, chắc chắn sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và đảm bảo giá nhà sẽ ở mức phù hợp để cán bộ, công nhân, người lao động có thu nhập thấp có điều kiện để lựa chọn mua, thuê mua hay thuê nhà ở, ổn định cuộc sống.