Như Thanh Niên đã phản ánh, trong hội thảo khoa học gần đây do Bộ KH-CN phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức, lãnh đạo hai bộ này đã nhận thấy đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để giải quyết các vấn đề nổi cộm trong liêm chính khoa học (LCKH) hiện nay. Tuy nhiên, vào cuộc ra sao, giải quyết thế nào, vẫn đang là những câu hỏi được bỏ ngỏ.
“YẾU TỐ LỊCH SỬ” CỦA KHÁI NIỆM LIÊM CHÍNH KHOA HỌC
Theo các nhà khoa học, hiện nay trong cộng đồng khoa học đang có nhiều quan điểm xung đột nhau khi xác định nội hàm khái niệm LCKH. Đây là một khái niệm có tính văn hóa, tính lịch sử. Có những hành vi mà ở giai đoạn này có thể bị xem là phi liêm chính, nhưng giai đoạn trước thì có thể là… bình thường (hoặc giới khoa học thấy có thể chấp nhận được).
Tại hội thảo nói trên, GS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV – ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết cách đây hơn 30 năm, khi ông bước vào nghề nghiên cứu (giai đoạn 1995 – 1999), nhiều giáo sư (ngay trong môi trường học thuật của các nước phát triển) còn quan niệm đơn giản về việc công bố công trình khoa học.
“Cho nên giờ chúng ta nhìn lại một số thứ, dùng bối cảnh của hiện nay mà nhìn thì thấy nhiều cái lệch pha, vì lệch pha nên nhiều cái thành ra bi kịch. (…) Nói như vậy để thấy nó có những vấn đề có lẽ cần sự chia sẻ, cần sự nhìn nhận và đặt trong bối cảnh lịch sử thì sẽ tốt hơn. Quan trọng là chúng ta hướng tới những gì mà chúng ta muốn xây dựng”, GS Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Còn theo GS Nguyễn Xuân Hùng, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech), các nhà khoa học trẻ ở VN gặp rất nhiều khó khăn trên hành trình theo đuổi nghiên cứu khoa học. Trường ĐH Hutech cũng đã ban hành quy chế về LCKH vào tháng 4.2023, nhưng việc thực hiện các quy chế đấy thực ra vô cùng khó khăn, vì một cán bộ giảng viên phải làm rất nhiều công việc khác nhau, bây giờ phải đi học cả quy trình, mọi thứ rất mất nhiều thời gian. Cho nên cần có sự chia sẻ, yêu thương, để cùng phát triển.
Ông Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ KH-CN, cũng đồng tình với quan điểm cần có ứng xử văn hóa, văn minh trong công cuộc xây dựng LCKH. Đối tượng liên quan là đội ngũ trí thức, đội ngũ nhà giáo, khi chưa có điều tra, minh chứng thì chưa được nêu tên, làm ảnh hưởng đến từng nhà khoa học, tập thể khoa học.
PHẢI XÂY DỰNG VĂN HÓA LIÊM CHÍNH KHOA HỌC
GS Phùng Hồ Hải, Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH-CN VN, thì cho rằng thực tế công cuộc đấu tranh vì LCKH thời gian qua cho thấy có những đau xót đành phải chấp nhận. “Trong cộng đồng toán có những người bán bài kinh khủng, thu hàng đống tiền, họ phớt lờ, bất chấp những người còn lại. Vấn đề bây giờ là đừng để những người khác theo những người đó. Đừng để những người trẻ đi theo con đường đó. Văn hóa khoa học nằm ở chỗ trò sẽ học thầy, thầy mà xấu thì kiểu gì trò cũng xấu. Nên phải xây dựng được cái văn hóa LCKH”, GS Hải nói.
Theo TS Dương Tú, ĐH Purdue, Mỹ, trong một môi trường xã hội mà có rất nhiều vấn đề về liêm chính như ở nước ta thì các nhà khoa học nên đóng vai trò làm gương về sự trung thực và liêm chính như một nghĩa vụ học thuật để vực dậy niềm tin của công chúng vào khoa học và truyền cảm hứng cho xã hội. Nếu nhà khoa học từ bỏ trách nhiệm này, từ bỏ cơ hội này thì mình có lỗi với những người tài trợ cho mình nghiên cứu khoa học.
CẦN CÓ MỘT KHUNG PHÁP LÝ
Theo PGS Nguyễn Tài Đông, Viện Triết học, Viện Hàn lâm KHXH VN, chúng ta có rất nhiều quy định trong luật, các nghị định, quy định của Bộ KH-CN, Bộ GD-ĐT, của nhiều trường, nhiều tạp chí… Chỉ có điều chúng ta chưa có cái tổng thể.
Vẫn theo PGS Đông, cần nghiên cứu xác định xây dựng các nguyên tắc lớn, quy định phổ quát và bộ chỉ số hoặc tiêu chí chung về LCKH. Điều này là bắt buộc. Nếu có một mũ chung như vậy thì các đơn vị, cơ sở nghiên cứu, trường ĐH, các tạp chí mới xây dựng cái riêng của bản thân mình. PGS Nguyễn Tài Đông cũng đề xuất cần xây dựng một số đơn vị tiên phong, đầu ngành để dẫn dắt, tương tự như Hội đồng giám sát nhà nước và Quỹ NAFOSTED.
PGS Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước, cho biết tuy Bộ GD-ĐT đã có Nghị định 109 trong đó giao cho các trường ĐH chủ động ban hành quy định và tự chịu trách nhiệm về liêm chính học thuật, nhưng vẫn rất cần cấp bộ hoặc trên bộ ban hành được một quy định chung về quy tắc ứng xử hay LCKH. Trên cơ sở đó các trường, viện mới có căn cứ để chi tiết hóa trong quy định của mình, đặc biệt là về chế tài xử lý.
Nhiều câu hỏi cần được sớm trả lời
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Hồng Thái, hiện nay Bộ KH-CN và Bộ GD-ĐT cần cộng đồng khoa học VN giúp cho việc nêu lên hiện tượng nào có thể nói là vi phạm LCKH, từng bước cần hình thành khái niệm LCKH. Luật KH-CN, luật Giáo dục, luật Giáo dục ĐH đều có quy định về liêm chính. Nhưng liêm chính không chỉ thuộc phạm vi pháp luật mà văn hóa, đạo đức. “Vậy vấn đề nào là pháp luật, vấn đề nào là văn hóa? Đã cần thay đổi quy định pháp luật về LCKH chưa? Thay đổi cái gì? Đó là những câu hỏi cần được sớm trả lời. Hiện Bộ KH-CN đang tham mưu cho Chính phủ việc chuẩn bị đề án để xây dựng luật sửa đổi luật KH-CN. Đây là lúc cần tiếp thu ý kiến để có thể đưa vấn đề LCKH sâu vào luật”, ông Thái nói.
Chia sẻ với Thanh Niên và trên diễn đàn LCKH, TS Dương Tú bày tỏ e ngại khi hiện nay chưa có bộ phận chuyên trách về LCKH nên sắp tới không có người tiếp tục triển khai và thực hiện những ý kiến chỉ đạo của các bộ liên quan. “Đây là một phần lý do tôi cho rằng VN nên thành lập Vietnam Office of Research Integrity (VORI, tạm dịch Cơ quan LCKH VN), tương tự ở rất nhiều nước như Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Hà Lan với những chuyên gia thực thụ về LCKH: liên tục cập nhật và chia sẻ kiến thức, thông tin về liêm chính nghiên cứu tới cộng đồng khoa học; cho ý kiến chuyên môn khi phát sinh những vấn đề về liêm chính; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc đảm bảo LCKH tại các đơn vị nghiên cứu, hạn chế các đơn vị bao che cho người của mình; xử lý khiếu nại, tố cáo các trường hợp vi phạm liêm chính khi cần.