Bằng nhiều chính sách thiết thực, nhất là thực hiện hiệu quả nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm của tỉnh Cao Bằng luôn đạt trên 4%.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng về kết quả thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được công bố tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội hồi tháng 7/2023, các chương trình mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Cụ thể, bộ mặt nông thôn ở nhiều địa phương đã từng bước thay đổi; chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao; cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được hoàn thiện.
“Tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm của tỉnh đạt trên 4%, đạt kế hoạch đề ra; điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa được cải thiện; các mô hình về phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch cộng đồng từng bước phát triển, góp phần hỗ trợ người dân cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập…”, báo cáo nêu.
Trong 3 năm đầu thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (2021 – 2023), GRDP bình quân đầu người tại tỉnh Cao Bằng là 39,84 triệu đồng, 48,2% lao động được qua đào tạo, 92% dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh. Cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 37.409 hộ nghèo chiếm 28,94%, giảm 4,29% so với đầu kỳ rà soát; có 19.084 hộ cận nghèo, chiếm 14,76%.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã đầu tư, hoàn thiện hơn 50km đường giao thông liên xã, đường từ huyện đến trung tâm xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường; trên 150 km đường liên xóm được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường.
Thêm 2 trường và trên 20 trạm y tế được xây dựng kiên cố; thêm 1% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; hơn 1.600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Về các mục tiêu về giáo dục, y tế, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, theo tỉnh Cao Bằng, đều có bước phát triển. Mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa của nhân dân trong tỉnh được cải thiện rõ rệt.
Song, tỉnh Cao Bằng cũng nhận định, việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục. Bên cạnh đó, việc phân bổ ngân sách Trung ương còn chậm, thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của tỉnh.
Công tác xây dựng kế hoạch của một số địa phương chưa được chuẩn bị tốt từ khâu xây dựng, lựa chọn danh mục. Công tác chuẩn bị đầu tư của một số dự án chậm, khảo sát chưa kỹ, chất lượng hồ sơ chưa đảm bảo, quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần…
Cùng đó, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao, vẫn còn có hộ tái nghèo. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới chỉ đạt 12,2%; chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu; chưa có đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và có tới 82% số xã chỉ đạt dưới 15 tiêu chí…
Theo UBND tỉnh Cao Bằng, ngoài lý do điều kiện địa hình miền núi, trình độ nhận thức nhân dân còn hạn chế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu kém còn có nguyên nhân do công tác ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện của Bộ, ngành Trung ương chưa được kịp thời, đồng bộ.
Bên cạnh đó, một số văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng nên địa phương lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện; việc giao cấp xã chủ đầu tư một số dự án còn gặp vướng mắc do năng lực cán bộ cấp xã hạn chế; một số địa phương triển khai còn thụ động và phân bổ nguồn lực chưa hợp lý.
Để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Cao Bằng kiến nghị: các Bộ, ngành sớm có hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy định của các văn bản quy phạm pháp luật; có cơ chế cho người dân tại các xã đặc biệt khó khăn sau khi đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về thẻ bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, miễn giảm học phí…