ANTD.VN – Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khí thải.
Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng Nghị định phí BVMT quy định đối với khí thải là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, xây dựng hệ thống pháp luật phí đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn BVMT và nhằm từng bước nâng cao ý thức BVMT của tổ chức, cá nhân xả thải và toàn xã hội.
Đồng thời, huy động kịp thời, hợp lý nguồn lực từ người xả khí thải để tạo nguồn lực cho hoạt động BVMT đối với không khí.
Đối tượng nào phải chịu phí bảo vệ môi trường?
Theo quy định tại Điều 88 Luật BVMT thì có 02 nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí cần phải được quản lý và kiểm soát bụi, khí thải gồm:
Thứ nhất, phương tiện giao thông, máy, thiết bị, công trình xây dựng có phát tán bụi, khí thải.
Thứ hai, cơ sở, dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả khí thải.
Một số ý kiến đề nghị quy định thu phí BVMT đối với tất cả các loại khí thải gây ô nhiễm môi trường và tất cả các nguồn thải nêu trên.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng việc quy định thu phí BVMT đối với khí thải phải đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, tính hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội từng thời kỳ.
Đối với nguồn phát thải thứ nhất, pháp luật chuyên ngành chưa có quy định để xác định: Tổng khối lượng xả thải, hàm lượng từng chất gây ô nhiễm môi trường trong khí thải; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xả thải và cơ quan quản lý trong việc đầu tư thiết bị, công nghệ để quản lý nguồn thải này.
Vì vậy, nếu quy định thu phí đối với nguồn thải này thì chưa có cơ sở để xác định tổng khối lượng khí thải và số phí phải nộp.
Mặt khác, việc quy định thu phí đối với phương tiện giao thông không bảo đảm khả thi, đặc biệt là thu phí đối với xe máy, trong đó phần lớn là phương tiện thiết yếu của người có thu nhập thấp sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo nghị định về thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải |
Do đó, căn cứ quy định pháp luật về BVMT đối với khí thải, tình hình thực tế hoạt động quản lý khí thải hiện nay, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Bộ TNMT đã xây dựng và đề xuất, Bộ Tài chính trình Chính phủ trước mắt quy định người nộp phí là các cơ sở xả khí thải mà pháp luật BVMT quy định có thể kiểm soát được khí thải phát sinh.
Theo đó, đối tượng chịu phí BVMT theo quy định tại Nghị định này là bụi, khí thải công nghiệp xả ra môi trường của các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại cột (2) Phụ lục XXIX ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường (cơ sở xả khí thải).
Mức thu phí ra sao?
Theo dự thảo Nghị định, mức thu phí sẽ bao gồm mức phí cố định và mức phí biến đổi của các chất gây ô nhiễm môi trường.
Theo đó, mức phí cố định sẽ là 3 triệu đồng/năm sẽ áp dụng đối với các cơ sở xả khí thải không thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải.
Đối với các cơ sở xả khí thải thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải, ngoài mức thu cố định nêu trên, còn phải nộp phí biến đổi theo các chất gây ô nhiễm.
Cụ thể như sau: Với bụi tổng mức thu là 800 đồng/tấn; NOx (gồm NO2 và NO) thu 800 đồng/tấn; SOx là 700 đồng/tấn; CO 500 đồng/tấn.
Với cơ sở xả khí thải có nồng độ các chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải thấp hơn 30% so với hàm lượng được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp mức thu phí bằng 75% số phí phải nộp theo công thức tính quy định tại Nghị định này.
Cơ sở xả khí thải có nồng độ các chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải từ 30% đến thấp hơn 50% so với hàm lượng được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp, mức thu phí bằng 50% số phí phải nộp theo công thức tính phí tại Nghị định.
Cơ sở xả khí thải hoạt động công ích thuộc loại hình tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải y tế, chất thải nguy hại, mức thu phí bằng 50% số phí phải nộp theo công thức tính tại Nghị định.