Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 12 đạt trên 379 triệu USD, tăng 1,8% với tháng trước và tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2022; nâng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm 2023 đạt trên 5,573 tỷ USD tăng 65,6% so năm 2022.
2023 là năm chứng kiến quá trình “đổi ngôi” trong ngành rau quả. Vượt qua thanh long, sầu riêng đã trở thành mặt hàng có doanh số xuất khẩu cao nhất |
Top 10 thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Australia, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Nga.
Đặc biệt, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 11 tháng đạt 3,4 tỷ USD, tăng gần 250% về giá trị và 65% về thị phần so với cùng kỳ năm 2022.
Về chủng loại, 2023 là năm chứng kiến quá trình “đổi ngôi” trong ngành rau quả. Vượt qua thanh long, sầu riêng đã trở thành mặt hàng có doanh số xuất khẩu cao nhất,
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 tăng là nhờ vào việc Việt Nam đã ký kết được nhiều Nghị định thư xuất khẩu vào các thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Song song đó là sự tăng trưởng vượt bậc trong xuất khẩu sầu riêng, đây là loại quả có giá trị cao, lại được Trung Quốc ưa chuộng.
“Từ năm 2021 trở về trước, xuất khẩu sầu riêng chỉ khoảng hơn 200 triệu USD/năm. Từ tháng 7/2022, sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đã tăng tốc. Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng đạt 420 triệu USD. Dự kiến, xuất khẩu sầu riêng năm 2023 đạt 2,3 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2022 và tăng gấp 10 lần so với năm 2021. Rõ ràng, nhờ Nghị định thư mà xuất khẩu sầu riêng đạt kết quả rực rỡ như vậy”, ông Đặng Phúc Nguyên cho hay.
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy mạnh đàm phán để quả ớt và dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Cùng với sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có thể sẽ được phép xuất khẩu vào nước này thì kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 được dự báo sẽ càng tăng lên đáng kể.
Theo giới chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở thị trường 1,4 tỷ dân như Trung Quốc là rất lớn. Và cộng tất cả các nước xuất khẩu sầu riêng ở khu vực Đông Nam Á vẫn chưa đủ đáp ứng thị trường này. Trong khi đó, so với các quốc gia trong khu vực thì sầu riêng của Việt Nam xuất sang Trung Quốc có nhiều lợi thế cạnh tranh về logistics và chất lượng.
Ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – nhận định, dư địa cho rau quả của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc là còn rất lớn. “Nếu đi sâu vào các địa phương trong nội địa của Trung Quốc sẽ thấy nhu cầu tiêu thụ của người dân ở đây đối với các loại trái cây của Việt Nam như sầu riêng, xoài cùng những loại trái cây khác là còn rất nhiều”, ông Nguyễn Minh Tiến chia sẻ.
Có thể nói từ “bước nhảy” của mặt hàng trái sầu riêng nói riêng và một số mặt hàng trái cây chủ lực sẽ là chất xúc tác, là động lực quan trọng để ngành hàng rau quả Việt thực hiện tham vọng thu thêm hàng tỷ USD, trở thành “cường quốc” về xuất khẩu rau quả trên toàn cầu.
Tuy nhiên, để cụ thể hóa tham vọng đó đòi hỏi các ngành hàng này cần có những “bước nhảy” quan trọng, nhất là việc tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng, đẩy mạnh các hoạt động giao thương, quảng bá thương hiệu. Đây cũng là thời điểm quan trọng để các doanh nghiệp trong ngành hàng rau quả nhận thức được các điểm hạn chế để khắc phục nhằm có thể tiến xa.
Theo ông Nguyên, để xuất khẩu sầu riêng trong năm tới đạt kết quả cao, theo kịp Thái Lan thì Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng đông lạnh.
“Tình hình kinh tế đang có nhiều biến động, khả năng người dân Trung Quốc cũng sẽ thắt chặt chi tiêu, dẫn đến việc tăng trưởng trong xuất khẩu sầu riêng trong năm tới không quá đột biến. Mặt khác, khoảng tháng 5/2024, Malaysia được xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc”, ông Nguyên phân tích và dự báo khả năng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 cán mốc 6 tỷ USD.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu – cho hay, chúng ta đâu chỉ cạnh tranh với mỗi Thái Lan và Malaysia. Các nước như Lào, Campuchia, Philippines… đang tăng trồng sầu riêng. Nếu chúng ta không thay đổi và cải tiến, không ai có thể nói trước điều gì.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh, để đàm phán cho sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc không phải ngày một ngày hai. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải trân quý cơ hội này và giữ uy tín cho Việt Nam. Hãy nhìn Chile, Thái Lan có thể trụ lại ở Trung Quốc nhờ giữ gìn uy tín, chất lượng sản phẩm. Nếu mình không tự cải tiến, ngành rau quả có thể bị lùi về phía sau.