Là tỉnh biên giới với gần 85% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, xác định tảo hôn là một trong những rào cản sự phát triển kinh tế địa phương, có hệ lụy lớn tới đời sống xã hội, những năm qua, các cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu đã tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai các chương trình, giúp người dân từng bước thay đổi nhận thức, loại bỏ hủ tục, triệt để giải quyết nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Tảo hôn để lại hậu quả rất nguy hiểm, trẻ em gái độ tuổi 15 có nguy tử vong do mang thai và sinh đẻ cao hơn so với phụ nữ trên 20 tuổi. Những đứa trẻ có mẹ dưới 18 tuổi thường còi, thấp, nhẹ cân, thiểu năng trí tuệ, dễ bị chết non, khuyết tật tạo ra gánh nặng cho xã hội. Phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn phải nghỉ học dẫn đến tình trạng thiếu kiến thức xã hội, ảnh hưởng đến trí tuệ và thể chất.
Đồng thời, tảo hôn làm mất cơ hội tìm việc làm, năng suất lao động, sản xuất thấp, kinh tế gặp khó khăn dẫn đến đói nghèo, nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình; nhiều cặp vợ chồng phải chia tay sớm nên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em.
Hôn nhân cận huyết thống gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Do đó, các cặp hôn nhân không được pháp luật thừa nhận luôn có tâm lý mặc cảm, thiếu tự tin trong cuộc sống. Đứa trẻ sinh ra do hôn nhân cận huyết thống thường mắc các bệnh di truyền như: Bệnh tim mạch, mù màu, down, bạch tạng, da vảy nến, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ; còi cọc, kém phát triển về chiều cao và cân nặng, giảm tuổi thọ… Những trẻ em này gây tăng chi phí xã hội cho việc chăm sóc, điều trị các bệnh di truyền. Hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực, suy thoái nòi giống.
2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Với mục tiêu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, trách nhiệm của người dân vùng đồng bào DTTS tại địa phương.
Trong đó, tỉnh Lai Châu đã triển khai, thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn II (2021-2025) và Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 06/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 2059/KH-UBND ngày 17/6/2022 của UBND tỉnh nhằm góp phần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn trong thực hiện việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Kết quả bước đầu, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có xu hướng giảm dần từng năm. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 1.370 vụ tảo hôn. Trong đó, tảo hôn vợ hoặc chồng 749 vụ, tảo hôn cả vợ và chồng 621 vụ, không có hôn nhân cận huyết thống.
Để đạt được kết quả trên, Lai Châu đã tổ chức được 401 cuộc tuyên truyền, truyền thông thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức về hôn nhân và gia đình trên địa bàn toàn tỉnh với 13.070 lượt người tham gia. Tổ chức thực hiện 60 cuộc tư vấn, tuyên truyền vận động phòng, chống về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 2.180 lượt người. Tổ chức biên soạn tài liệu, liên quan đến Luật hôn nhân và gia đình, phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, dân số.
Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu cũng xây dựng, triển khai nhân rộng mô hình điểm và các mô hình chuyên đề cũng như thực hiện là 2 mô hình can thiệp nhằm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn.
Trong năm 2023, tỉnh Lai Châu đã biên soạn, in ấn và cấp phát hành tổng số 30.001 tờ rơi, pa nô, áp phích tuyên truyền chung tay phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.
Trước đó, năm 2022, toàn tỉnh đã mở 41 lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình cho 1.230 học viên.
Năm 2023, Lai Châu tổ chức 50 hội nghị tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình cho 2.911 học viên là người dân tại các bản có tỷ lệ tảo hôn cao trên địa bàn tỉnh; đưa 2 đoàn đại biểu cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Lai Châu đi giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm các tỉnh phía Bắc.
Năm 2022 – 2023, toàn tỉnh cũng tổ chức được 223 cuộc tư vấn, tuyên truyền, vận động phòng chống về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, cuối năm 2023, tỉnh Lai Châu cũng sẽ tổ chức tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng, phát triển thể chất có liên quan trong lĩnh vực hôn nhân nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống một số xã trên địa bàn tỉnh.
Hải Anh