Năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã tổ chức nhiều Hội nghị tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Đây là một hoạt động thuộc Tiểu Dự án 2, Dự án 9, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hệ quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết
Tảo hôn, hôn nhân cận huyết là trái quy định của pháp luật.
Theo thông tin từ Ban dân tộc tỉnh Bắc Giang, tảo hôn để lại hậu quả rất nguy hiểm, trẻ em gái độ tuổi 15 có nguy tử vong do mang thai và sinh đẻ cao hơn so với phụ nữ trên 20 tuổi. Những đứa trẻ có mẹ dưới 18 tuổi thường còi, thấp, nhẹ cân, thiểu năng trí tuệ, dễ bị chết non, khuyết tật tạo ra gánh nặng cho xã hội. Phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn phải nghỉ học dẫn đến tình trạng thiếu kiến thức xã hội, ảnh hưởng đến trí tuệ và thể chất. Đồng thời tảo hôn làm mất cơ hội tìm việc làm, năng suất lao động, sản xuất thấp, kinh tế gặp khó khăn dẫn đến đói nghèo, nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình; nhiều cặp vợ chồng phải chia tay sớm nên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em.
Hôn nhân cận huyết thống gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Các cặp hôn nhân không được pháp luật thừa nhận luôn có tâm lý mặc cảm, thiếu tự tin trong cuộc sống. Đứa trẻ sinh ra do hôn nhân cận huyết thống thường mắc các bệnh di truyền như: Bệnh tim mạch, mù màu, down, bạch tạng, da vảy nến, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ; còi cọc, kém phát triển về chiều cao và cân nặng, giảm tuổi thọ… Những đứa trẻ này gây tăng chi phí xã hội cho việc chăm sóc, điều trị các bệnh di truyền. Hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực, suy thoái nòi giống.
Với mục tiêu xây dựng, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng pháp luật; chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của DTTS, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã tổ chức nhiều Hội nghị tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Trang bị thông tin, kiến thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Theo kế hoạch, năm 2023, tỉnh Bắc Giang tổ chức 68 hội nghị tuyên truyền vận động ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 3.400 người là bí thư, phó bí thư chi bộ, trưởng, phó thôn, bản, người có uy tín, người dân, trong đó ưu tiên người dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn trên địa bàn 4 huyện (Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế).
Tại Lục Ngạn, hồi đầu tháng 8, Ban Dân tộc đã tổ chức 12 hội nghị tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống Tiểu Dự án 2, Dự án 9 trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tại xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn.
Tham gia Hội nghị có 600 đại biểu là bí thư chi bộ, trưởng thôn, các ban, đoàn thể thôn, đại diện các hộ thân thuộc các thôn trong xã. Hội nghị được tổ chức trong 1 ngày, mỗi lớp 50 đại biểu.
Cuối tháng 8, tại Yên Thế, Ban Dân tộc tổ chức 6 lớp tập huấn tuyên truyền. Đại biểu tham dự lớp tập huấn gồm có Bí thư các chi bộ, Trưởng thôn/bản, các tổ chức đoàn thể xã hội thôn, người uy tín, người DTTS tiêu biểu vùng đặc biệt khó khăn tại 6 xã gồm: Canh Nậu, Đồng Hưu, Tiến Thắng, Đồng Vương, Đồng Tiến, Đông Sơn. Mỗi lớp 81 đại biểu, tổng là 486 đại biểu.
Tại lớp tập huấn, các đại biểu đã được nghe các đồng chí báo cáo viên cung cấp các thông tin về Luật Hôn nhân và Gia đình, một số văn bản hướng dẫn thực hiện Luật; các khái niệm về Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; thực trạng, nguyên nhân và hậu quả của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở nước ta. Đặc biệt, các đại biểu đã được nghe về một số bệnh di truyền do tình trạng kết hôn cận huyết thống mang lại như: Bệnh Down, Bệnh Bạch tạng, Bệnh Mù mầu, Bệnh da vẩy cá, đặc biệt là Bệnh Tan máu bẩm sinh (Thalasemia) còn khá phổ biến ở nước ta. Ngoài ra, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về một số tình huống tại địa phương và trả lời câu hỏi lượng giá sau lớp tập huấn.
Các lớp tập huấn giúp nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về công tác tuyên truyền, vận động góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở cơ sở; Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước; vận động đồng bào các dân tộc xây dựng xã hội lành mạnh, thực hiện tốt Luật Hôn nhân và Gia đình, từng bước thực hiện mục tiêu về nâng cao chất lượng dân số mà Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra.
Phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, giúp đồng bào DTTS từng bước vận dụng chính sách pháp luật có hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình, giám sát việc thi hành luật pháp của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp ở địa phương.
Hải Anh