Sau 41 năm kể từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Việt Nam đã và đang huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tổ chức liên quan cùng tham gia vào sự nghiệp vì sự tiến bộ của phụ nữ, luôn cố gắng cao nhất để thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên trong việc hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới ở Việt Nam.
Kết quả, hệ thống pháp luật của Việt Nam về cơ bản đã phù hợp với các nguyên tắc và tương thích với các quy định của Công ước CEDAW và các điều ước quốc tế khác về bình đẳng giới. Tuy nhiên, trong tương lai, trước xu thế hội nhập quốc tế, Việt Nam cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình để ngày càng tiệm cận với những tiêu chí và chất lượng về bình đẳng giới ở tầm quốc tế.
Công ước CEDAW là gì?
Năm 1979, Liên hợp quốc thông qua một hiệp ước toàn cầu nhằm biến bất bình đẳng giới trở thành chuyện quá khứ. Kể từ đó, 189 quốc gia đã phê chuẩn Công ước.
Hơn 40 năm sau khi được thông qua, văn kiện này vẫn là một công cụ thiết yếu để đạt được bình đẳng giới và bảo vệ quyền của phụ nữ trong mọi tầng lớp xã hội – từ gia đình, trường học cho đến vai trò lãnh đạo chính trị.
Công ước là kết quả hơn 30 năm làm việc của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên Hợp Quốc, một cơ quan được thành lập năm 1946 để giám sát tình hình phụ nữ và thúc đẩy quyền của phụ nữ. Trong số các điều ước quốc tế về nhân quyền, Công ước có vị trí quan trọng trong việc đưa một nửa dân số nhân loại trở thành tâm điểm của các mối quan tâm về nhân quyền.
Văn kiện này nêu rõ ý nghĩa của sự bình đẳng và cách thức đạt được mục tiêu đó. Bằng cách đó, công ước không chỉ thiết lập một tuyên ngôn quốc tế về quyền của phụ nữ mà còn thiết lập một chương trình hành động của các quốc gia nhằm bảo đảm phụ nữ được thụ hưởng quyền lợi chính đáng của mình.
CEDAW có ý nghĩa gì đối với các chính phủ?
Công ước này được biết đến như là đạo luật quốc tế về quyền con người của phụ nữ vì đây là hiệp ước duy nhất có tính ràng buộc pháp lý gần như được phê chuẩn toàn cầu về quyền của phụ nữ. Các quốc gia phê chuẩn CEDAW sẽ phải thừa nhận: 1. Nghĩa vụ tôn trọng; 2. Nghĩa vụ bảo vệ; 3. Nghĩa vụ hành động đối với quyền phụ nữ.
Để thực hiện những nghĩa vụ này, quốc hội mỗi quốc gia phê chuẩn phải đưa các điều khoản của CEDAW vào các luật mới cũng như sửa đổi và bãi bỏ các luật phân biệt đối xử hiện hành.
Các nghị sĩ nên lập pháp để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bạo lực, đe dọa và phân biệt đối xử – đồng thời cố gắng thay đổi thái độ gia trưởng vốn là gốc rễ của mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ.
Năm 2003, Liên minh nghị viện thế giới (IPU) và Liên hợp quốc đã cho ra mắt “Sổ tay dành cho nghị sĩ” để hướng dẫn về Công ước và Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho công ước (có hiệu lực năm 2000).
Cuốn sổ tay đầu tiên này nhằm thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn của các nghị sĩ về Công ước cũng như Nghị định thư không bắt buộc và các quy trình báo cáo, thực hiện và giám sát liên quan. Khi các nghị sĩ nhận thức rõ hơn về sự liên quan của Công ước với công việc của họ, họ có thể thúc đẩy các nghị viện hành động tốt hơn vì quyền lợi của phụ nữ.
Nhờ sự hợp tác liên tục giữa IPU và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR), ấn bản thứ hai của cuốn sổ tay đã được công bố vào tháng 6/2023. Ấn bản này nhằm mục đích tạo động lực mới và đóng vai trò như một lời nhắc nhở rằng việc thực hiện Công ước phải là công việc hàng ngày. Cuốn sổ tay hướng dẫn nhấn mạnh sự liên quan của Công ước đối với tất cả các khía cạnh công việc của cơ quan lập pháp: từ xây dựng luật, phân bổ ngân sách, giám sát chính phủ đến vai trò lãnh đạo và gương mẫu của từng nghị sĩ trong việc thay đổi nhận thức, định kiến và thái độ gia trưởng có tính phân biệt đối xử trong xã hội.
Mặc dù vậy, sự phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là một vấn đề nhân quyền quan trọng với những tác động trên phạm vi rộng. Và một cuốn Sổ tay CEDAW cập nhật đang được rất nhiều người yêu cầu.
Trà Khánh