Năm 1995, tất cả 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký và phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (CRC), qua đó cam kết thực hiện 54 Điều khoản, trong đó bao gồm việc bảo vệ và tôn trọng đầy đủ các quyền của trẻ em.
10 quốc gia thành viên ASEAN vừa phối hợp vừa hoạt động một cách riêng lẻ, đã đạt được tiến bộ quan trọng trong việc cải thiện cuộc sống của hàng triệu trẻ em trên toàn khu vực, mang lại cho các em cơ hội có một tuổi thơ hạnh phúc hơn và cuộc sống ổn định hơn.
Xu hướng này đồng thời phản ánh sự hợp tác đang tiếp diễn giữa ASEAN với các tổ chức của Liên hợp quốc, bao gồm Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), được ủy quyền hỗ trợ các quốc gia thực hiện CRC. Những thành tựu trong việc cải thiện và thực hiện quyền trẻ em đã đóng góp rât lớn vào nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN hướng tới Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG), hỗ trợ và đẩy nhanh tiến bộ trong nhiều lĩnh vực.
Kết hợp Công ước CEDAW và Công ước CRPD khi thực thi Quyền trẻ em
Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) và Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD) giúp đảm bảo mọi quyền được công nhận của trẻ em bất kể tình trạng kinh tế xã hội, dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, giới tính, tình trạng di cư của cha mẹ/người giám hộ hợp pháp. Nguyên tắc không phân biệt đối xử này vốn không thể thiếu trong CRC, CEDAW và CRPD, đồng thời cũng là trọng tâm của Hiến chương ASEAN.
Trong hơn 30 năm qua, ASEAN đã đạt được các bước phát triển vượt bậc, qua đó, điều kiện sống của hàng triệu trẻ em trong khu vực đã được cải thiện, các trẻ em nhận được sự đảm bảo vể mặt dinh dưỡng, giáo dục, được bảo vệ khỏi bạo lực… Tuy nhiên, vẫn còn sự bất bình đẳng ở nhiều khu vực khác nhau.
Theo đó, lãnh đạo các nước thành viên ASEAN cũng đã nhận ra và bày tỏ lo ngại về sự bất bình đẳng này. Qua đó, họ đã thực hiện một số bước đi quan trọng nhằm giảm bớt sự chênh lệch. Ví dụ, Kế hoạch tổng thể về thúc đẩy ASEAN 2025 về lồng ghép quyền của trẻ em khuyết tật và tái khẳng định các điều khoản của CRPD.
Kế hoạch tổng thể này đi kèm với những nỗ lực của một số quốc gia ASEAN, bao gồm Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, nhằm cải thiện quá trình thu thập dữ liệu liên quan đến trẻ khuyết tật. Việc cải thiện việc thu thập, đối chiếu và phân tích dữ liệu được phân chia theo dạng khuyết tật, cũng như theo các chỉ số nhân khẩu học khác, là một công cụ thiết yếu để xây dựng nhận thức, sự hiểu biết và trách nhiệm giải trình cao hơn về tình hình của tất cả trẻ em trong ASEAN.
Trước đó, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã đưa ra Tuyên bố năm 2016 về tăng cường giáo dục cho trẻ em và thanh thiếu niên và Tuyên bố năm 2013 về xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em ở ASEAN.
Bên cạnh đó, ASEAN cũng tăng cường bảo vệ quyền cho trẻ em di cư. ASEAN đã ban hành nhiều văn kiện bổ sung, bao gồm Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư; Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về xóa bỏ Bạo lực đối với trẻ em, đặc biệt là điều khoản xem xét/tăng cường các chính sách và biện pháp bảo vệ trẻ em không quốc tịch, di cư và xin tị nạn là nạn nhân của bạo lực; Công ước ASEAN về chống buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; và Kế hoạch hành động ASEAN chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Tất cả những điều này thiết lập khuôn khổ để các quốc gia thành viên ASEAN tôn trọng, bảo vệ và thực hiện đầy đủ quyền của trẻ em bị ảnh hưởng bởi di cư.
Cuối cùng, ASEAN cũng tăng cường bảo vệ quyền bình đẳng giới của trẻ em trong khu vực. Cụ thể, ASEAN quy định tất cả trẻ em sống ở các nước ASEAN đều có quyền được bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử, kể cả dựa trên giới tính. Mặc dù vậy, bất bình đẳng giới vẫn là một thách thức trong khu vực. Những vấn đề này đặc biệt liên quan nhưng không giới hạn ở những em gái phải chịu rủi ro bị cưỡng bức và kết hôn sớm, mang thai ở tuổi vị thành niên và lựa chọn giới tính trước khi sinh.
Về tình trạng này, các quốc gia thành viên ASEAN đã có những tiến bộ trong việc xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới đối với trẻ em thông qua Kế hoạch hành động khu vực về xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em (2017). Các hành động này bao gồm sửa đổi luật pháp quốc gia liên quan đến bạo lực đối với trẻ em, tăng cường cơ chế phối hợp và nâng cao nhận thức của công chúng về quyền trẻ em và bạo lực đối với trẻ em.
Trong hơn 30 năm thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, dù vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề và thách thức nhưng không thể phủ nhận ASEAN đã đạt được những tiến bộ quan trọng, đóng góp vào việc ổn định cuộc sống và cải thiện đời sống cho trẻ em trong khu vực.
Hoa Vũ