Quảng Ninh là bể than của vùng Đông Bắc, với trữ lượng thăm dò xấp xỉ 4 tỷ tấn, trải dài từ Cẩm Phả, Hạ Long đến Uông Bí, Đông Triều. Trung bình mỗi năm, các mỏ than vùng Quảng Ninh cung cấp cho nền kinh tế trên 40 triệu tấn than nguyên khai. Được sự định hướng của tỉnh Quảng Ninh về chiến lược tăng trưởng bền vững, các đơn vị ngành than, nhất là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng với trọng tâm là “xanh hóa” ngành công nghiệp khai thác than.
Năm 2022, TKV đã ban hành một số văn bản nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Có thể kể đến như Quyết định số 28/QĐ-TKV, ngày 14/1/2022 của HĐTV Tập đoàn về phương án bố trí nguồn vốn thực hiện các công trình môi trường năm 2022; Văn bản số 469/TKV-MT, ngày 28/1/2022 hướng dẫn triển khai kế hoạch các công trình bảo vệ môi trường năm 2022, hay Nghị quyết số 27/NQ-ĐU, ngày 13/4/2022 của Đảng ủy Tập đoàn về tăng cường lãnh đạo thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng tới 2030. Đây là “kim chỉ nam” có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược phát triển “xanh” của TKV không chỉ cho năm 2022, mà còn trong cả những năm tiếp theo.
Tiếp tục đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong khai thác than để thay đổi cơ bản hạ tầng công nghệ theo hướng hiện đại, TKV chỉ đạo các đơn vị khối sản xuất than hầm lò và lộ thiên tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị theo hướng đồng bộ, tiến dần đến tự động hóa hoàn toàn dây chuyền sản xuất; đồng thời góp phần giải quyết từ gốc những tác động của khai thác than đến môi trường.
Trong các mỏ hầm lò, những dây chuyền đồng bộ không chỉ giúp các mỏ tăng năng suất, tăng sản lượng, mà còn tận thu tài nguyên hiệu quả. Suất tiêu hao gỗ chống lò trong các lò chợ giảm từ 50m3/1.000 tấn than xuống 14m3/1.000 tấn than. Công tác thông gió trong các mỏ hầm lò ngày càng được quan tâm, gió sạch được đưa xuống tận những tầng than sâu nhất. Các hệ thống phun sương dập bụi cũng được lắp đặt với mật độ lớn tại hầu hết vị trí dễ phát tán bụi.
Trên các khai trường lộ thiên, hệ thống xe ô tô trọng tải lớn 90-100 tấn được đầu tư ngày một nhiều, nhằm giảm số lượng xe lưu thông trên đường mỏ, giảm tình trạng phát tán bụi trong quá trình vận tải. Các thiết bị xúc bốc công suất lớn cũng được đầu tư để đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khai thác, tăng năng suất, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế khí thải ra môi trường.
Đơn cử như tại Công ty CP Than Vàng Danh, năm 2022 đã áp dụng thành công hệ thống làm mát tuần hoàn bằng hơi nước cho lò chợ cơ giới hóa đồng bộ. “Đây là thiết bị hiện đại, có khả năng đưa nhiệt độ trong lò chợ về ngưỡng an toàn, đồng thời cải thiện điều kiện vi khí hậu một cách hiệu quả. Ngoài ra, đơn vị cũng lắp đặt máy hút bụi trong lò, giúp thợ lò đảm bảo sức khỏe trong quá trình lao động” – ông Vương Minh Thu, Phó Giám đốc Công ty CP Than Vàng Danh, cho biết.
Song hành với nâng cấp hạ tầng công nghệ khai thác than, TKV tiếp tục đẩy mạnh những giải pháp bảo vệ môi trường cấp bách cũng như lâu dài. Các phương án bảo vệ môi trường tổng thể năm 2022 của TKV đã tập trung vào 5 khu vực trọng điểm, gồm: Bãi thải Bàng Nâu (Công ty CP Than Cao Sơn), mỏ than Hà Tu, cảng Làng Khánh (Công ty Tuyển than Hòn Gai), nhà máy tuyển than và cảng Cửa Ông (Công ty Tuyển than Cửa Ông); cảng Km6 (Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả).
Các đơn vị đã đầu tư nhiều thiết bị cải thiện chất lượng không khí trong khai trường sản xuất, như hệ thống phun sương dập bụi dạng quạt cao áp, xe tưới đường chuyên dụng dung tích 50m3 nước; đồng thời trồng cây hoàn nguyên môi trường, xử lý nước thải công nghiệp và chất thải nguy hại.
“Năm 2022, TKV đã trồng cây phủ xanh cải tạo, phục hồi môi trường trên 205ha, đạt 103% kế hoạch năm, bằng 128,12% so với năm 2021. Các trạm xử lý nước thải mỏ vận hành ổn định, chất lượng đảm bảo theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, năng lực xử lý đạt 150 triệu m3 nước thải mỏ” – ông Đỗ Thiện Bằng, Phó trưởng Ban Môi trường TKV, cho biết.
Công tác đổ đất đá thải tại các mỏ tiếp tục được rà soát, kiểm tra trên cơ sở tuân thủ thiết kế, quy trình đổ thải, đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường. Các bãi thải đang hoạt động cơ bản thực hiện đổ thải tầng thấp với chiều cao tầng ≤15m để giảm nguy cơ sạt lở, giảm phát sinh bụi, hạn chế xói mòn đất đá. Hoạt động vận chuyển than ra cảng và các nhà máy nhiệt điện được băng tải hóa tối đa cũng góp phần cải thiện đáng kể chất lượng môi trường các vùng đô thị.
Năm 2023 TKV đã thông qua và phê duyệt nhiều đề án, kế hoạch, chương trình quan trọng. Đó là Đề án bảo vệ môi trường vùng than Quảng Ninh giai đoạn đến năm 2025, định hướng tới năm 2030; Đề án bảo vệ môi trường các khu vực ngoài tỉnh Quảng Ninh thuộc TKV giai đoạn đến năm 2025, định hướng tới năm 2030; Kế hoạch tổng thể cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải mỏ than; Đề án trồng cây cải tạo phục hồi môi trường kết hợp trồng cây lấy gỗ làm trụ mỏ phát triển kinh tế rừng; quy trình cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải mỏ than; kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2025, định hướng tới năm 2030.