Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao ASEAN – Nhật Bản được xem là ‘thời điểm vàng’ để nhìn lại hợp tác giữa các bên trong 5 thập kỷ qua, tìm ra xung lực mới phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Rạng sáng nay 19.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới sân bay Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Nhật Bản và tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao ASEAN – Nhật Bản từ 15 – 18.12.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, với khẩu hiệu “Tình hữu nghị vàng, những cơ hội vàng”, Hội nghị cấp cao ASEAN – Nhật Bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là “thời điểm vàng” để các nhà lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản cùng nhìn lại quá trình hợp tác trong 5 thập kỷ vừa qua và đề ra định hướng phát triển mới.
Nhật cam kết huy động 35 tỉ USD trong 5 năm
Sau hội nghị, Nhật Bản cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp ở khu vực tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung.
Lãnh đạo các nước ASEAN đánh giá cao việc Nhật Bản công bố khoản hỗ trợ 40 tỉ yên cho các chương trình giao lưu nhân dân trong 10 năm tới, 15 tỉ yên cho chương trình trao đổi cán bộ nghiên cứu và nghiên cứu quốc tế chung.
Nhật Bản cũng cam kết sẽ huy động 35 tỉ USD trong vòng 5 năm tới từ các quỹ công – tư để thúc đẩy hợp tác kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu…
Thủ tướng đã hội kiến với Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và gặp những người bạn cũ của Việt Nam như cựu Thủ tướng Nhật Bản Fukuda
NHẬT BẮC
ASEAN và Nhật Bản đã nhất trí thông qua “Tuyên bố tầm nhìn về quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN – Nhật Bản: Đối tác tin cậy” và “Kế hoạch triển khai Tuyên bố tầm nhìn” làm cơ sở để triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN – Nhật Bản thời gian tới.
3 phương hướng lớn cho quan hệ ASEAN – Nhật Bản
Tham dự hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cao ý nghĩa lịch sử của hội nghị, đánh giá cao tinh thần đoàn kết và hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản giúp vượt qua những thời điểm khó khăn, thử thách xuyên suốt nửa thế kỷ qua.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đề xuất 3 phương hướng lớn để quan hệ ASEAN – Nhật Bản trở thành hình mẫu, nhân tố tích cực, đóng vai trò quan trọng vào bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, cùng phát triển ở khu vực.
Đồng thời, nhấn mạnh 4 kết nối, trong đó đề nghị hai bên tăng cường kết nối về kinh tế – thương mại, đầu tư, coi đây là trọng tâm và động lực phát triển của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN – Nhật Bản, đẩy mạnh kết nối hạ tầng chiến lược.
Thủ tướng đã có hàng loạt cuộc gặp với các tổ chức tài chính, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản
Bên cạnh đó, mở rộng kết nối trong các lĩnh vực mới, nhất là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và nông nghiệp thông minh… Đưa các lĩnh vực này trở thành sức sống mới cho hợp tác ASEAN – Nhật Bản.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa các lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản về “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á” (AZEC), đưa ra thông điệp mạnh mẽ về sự quyết tâm và hành động quyết liệt của Việt Nam thực hiện các cam kết đề ra.
ODA thế hệ mới cho Việt Nam
Chuyến công tác Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính là hoạt động quan trọng khép lại một năm hết sức sôi động kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản và được tiến hành chỉ 2 tuần sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, chuyến công tác làm sâu sắc hơn nữa tin cậy chính trị, củng cố quan hệ cá nhân tốt đẹp với lãnh đạo chính giới Nhật Bản, đồng thời là bước triển khai đầu tiên đối với việc cụ thể hóa khuôn khổ hợp tác mới.
Tại diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp tiêu biểu của Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền tải thông điệp đề nghị doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam. Các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước trao đổi hơn 30 văn kiện hợp tác, trị giá gần 3 tỉ USD, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như tài chính, giáo dục, y tế, đầu tư khu công nghiệp…
Đáng chú ý, nỗ lực làm sôi động hơn hợp tác ODA của hai nước cũng đạt kết quả cụ thể, thực chất khi hai Thủ tướng chứng kiến trao đổi văn bản ký kết 3 dự án hợp tác ODA với tổng trị giá hơn 200 triệu USD, góp phần đưa tổng giá trị hợp tác ODA giữa hai nước trong năm 2023 đạt hơn 100 tỉ yên (tương đương gần 800 triệu USD), cao nhất kể từ năm 2017.
Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí việc sớm triển khai các dự án ODA mới của Nhật Bản với tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, nhất là trong xây dựng hạ tầng chiến lược.
Khởi đầu làn sóng đầu tư mới
Tại Tokyo, Chính phủ Việt Nam lần đầu tiên chủ trì, tổ chức hội nghị xúc tiến lao động tại nước ngoài, với sự tham dự của hơn 200 doanh nghiệp hai phía và gần 200 người lao động Việt Nam.
Trong 4 ngày tại Nhật Bản, Thủ tướng đã có hơn 10 cuộc gặp, tiếp các lãnh đạo các tập đoàn lớn của Nhật Bản cũng như tham dự các diễn đàn, tọa đàm kinh tế. Giới kinh tế Nhật Bản đánh giá cao sự phát triển, ổn định của kinh tế Việt Nam cũng như triển vọng kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, sẵn sàng đầu tư, mở rộng kinh doanh trong các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên.
Đặc biệt, về hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân, Thủ tướng đã thăm tỉnh Gunma ngay sau khi đến Nhật Bản và nói “đây là vùng đất địa linh nhân kiệt”, quê hương của 4 Thủ tướng Nhật Bản.
Thủ tướng cũng đã tiếp thống đốc 5 tỉnh của Nhật Bản, khuyến khích các địa phương hai nước tăng cường hợp tác không chỉ về đầu tư, thương mại, lao động, giao lưu văn hóa.
Chuyến công tác đã mở ra cơ hội hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo… Các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm cao đến các chính sách, nhu cầu của Việt Nam và cam kết mạnh mẽ về thúc đẩy đầu tư, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực mới.
Hơn một nửa số văn kiện ký kết giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản thuộc các lĩnh vực hợp tác mới, bao gồm xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, logistics, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, robot…
Đây có thể là bước khởi đầu cho một làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào các lĩnh vực mới tại Việt Nam trong tương lai gần.