Công ước quốc tế các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESR) quy định quyền các quyền kinh tế, xã hội, theo “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, năm 1948” của Liên hợp quốc, được xem là những giá trị của tất cả mọi người mà các nhà nước phải tôn trọng, bảo vệ.
Công ước ICESR gồm 6 phần, 31 điều. Lời mở đầu công ước khẳng định rằng quyền con người thì chỉ có thể đạt được lý tưởng về con người tự do, không phải chịu nỗi sợ hãi và thiếu thốn, nếu tạo được những điều kiện để mọi người đều có thể hưởng các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá cũng như các quyền dân sự, chính trị của mình. Những nội dung cơ bản của Công ước quốc tế các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa như sau:
Phần I (Điều 1) công nhận quyền của mọi dân tộc được tự định đoạt thể chế chính trị, đường hướng phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, gồm cả quyền tự do định đoạt các nguồn tài nguyên của mình miễn là không làm phương hại đến các nghĩa vụ phát sinh từ hợp tác kinh tế quốc tế, dựa trên nguyên tắc các bên cùng có lợi và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Trong mọi trường hợp, không thế lực nào được phép tước đi quyền sinh kế của một dân tộc. Đồng thời, các nước hội viên chịu trách nhiệm thúc đẩy và tôn trọng quyền tự quyết của các lãnh thổ được nước đó bảo hộ hoặc phụ thuộc vào nó.
Phần II (Điều 2–5) thiết lập các nguyên tắc hiện thực hóa các quyền được Công ước bảo hộ. Nó quy định các quyền đó được công nhận mà không có sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc các thân trạng khác. Một quốc gia chỉ có thể đặt ra những hạn chế bằng các quy định pháp luật trong chừng mực những hạn chế ấy không trái với bản chất của các quyền nói trên và hoàn toàn vì mục đích “thúc đẩy phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”.
Phần III (Điều 6–15) liệt kê cụ thể các quyền được Công ước bảo hộ. Cụ thể là:
+ Quyền của mọi cá nhân được hưởng những điều kiện làm việc “công bằng và thuận lợi”, và quyền tự do thành lập hoặc gia nhập các tổ chức công đoàn (Điều 6, 7, và 8);
+ Quyền được hưởng an sinh xã hội, gồm cả bảo hiểm xã hội (Điều 9);
+ Quyền tự do lập gia đình, bao gồm cả quyền của các bà mẹ được nghỉ dưỡng trước và sau khi sinh, và có các cơ chế bảo vệ trẻ em. (Điều 10);
+ Quyền được thụ hưởng mức sống phù hợp, bao gồm các khía cạnh về ăn, mặc, ở và được “không ngừng cải thiện đời sống” (Điều 11);
+ Quyền được hưởng một “tiêu chuẩn sức khoẻ về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể”. (Điều 12);
+ Quyền được giáo dục, bao gồm phổ cập giáo dục tiểu học miễn phí, giáo dục phổ thông đại trà và quyền cơ hội tiếp cận bình đẳng các trường đại học. Những việc này nhắm tới mục tiêu “phát triển toàn diện nhân cách và ý thức về phẩm giá con người”, và tạo điều kiện cho tất cả mọi người tham gia hiệu quả vào các hoạt động xã hội (Điều 13 và 14);
+ Quyền được tham gia vào đời sống văn hoá và hoạt động khoa học (Điều 15).
Nhiều trong số các quyền trên yêu cầu các hành động cụ thể để hiện thực hóa chúng.
Phần IV (Điều 16–25) quy định cách thức báo cáo và giám sát Công ước, cùng những bước mà các quốc gia hội viên phải tuân theo để thực thi Công ước. Chiếu theo quy định, Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc – bây giờ là Ủy ban các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa – chịu trách nhiệm giám sát và tham mưu cho Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về các biện pháp thích hợp để hiện thực hóa các quyền được bảo hộ.[16]
Phần V (Điều 26–31) quy định cách thức phê chuẩn, thời gian có hiệu lực và cách sửa đổi bổ sung sau này.
Trà Khánh