Tôi là ai?
Với Dị bản, nhà văn trẻ, kỹ sư Nguyễn Đinh Khoa trở lại với thể loại truyện dài. Cuốn sách do Nhà xuất bản Trẻ phát hành, mở đầu bằng một khung cảnh đậm tính nghề nghiệp của tác giả.
Nhân vật “tôi” – Phúc Giang – một kỹ sư cầu đường trong lần nghiệm thu hiện trường thi công cây cầu dây văng đã gặp tai nạn sập giàn giáo của trụ cầu. Anh rơi xuống sông và ngất đi.
Những chuyện khác thường bắt đầu xuất hiện khi Giang được Frank – một nhà bác học thiên tài nhưng tư tưởng cực đoan – cứu sống.
Tỉnh dậy và quay lại cuộc sống bình thường, chàng kỹ sư gần như ở trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ. Trong thời gian đó, những ký ức về gia đình và cuộc sống ở vùng quê sông nước lần lượt ùa về.
Dư ảnh của quá khứ cùng những day dứt không có lời đáp về những người thân khiến Giang khao khát muốn tìm thấy lời đáp.
Sự thật về con người của Giang dần được hé mở và những ký ức rời rạc lần lượt được ráp nối khi anh gặp EVIV – một cá thể được nhân bản vô tính.
Từ đây, anh bước vào một thế giới khác – một thế giới hiện đại và thông minh được Frank sáng tạo, nhằm chuẩn bị một đội ngũ hoàn toàn mới để thay thế loài người trên trái đất. Một cuộc chiến âm thầm nhưng khốc liệt chuẩn bị bùng nổ từ đây.
Dị bản – câu chuyện trong một thế giới viễn tưởng không chỉ viết về tình yêu, tình thân và sự mất mát – những điều tất yếu mà bất cứ ai cũng phải trải qua, như cô đơn là cái giá mà ta phải trả khi trưởng thành.
Đây còn là một câu chuyện về vai trò và trách nhiệm của con người với thế giới mình đang sống.
Tác giả dẫn dắt độc giả đối diện những thách thức, hệ lụy của thế giới hiện đại như: chiến tranh, môi trường, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo… bằng giọng văn đầy cảm xúc.
Con người tàn phá địa cầu, vậy thì liệu “thay thế con người” có phải là giải pháp? Một khi trí tuệ nhân tạo có thể làm được ngày càng nhiều việc như con người, thậm chí tốt hơn, thì đâu là những đặc điểm riêng của nhân tính?
Những câu hỏi đậm tính hiện sinh đó đã được đặt ra trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, không chỉ bởi triết gia, mà bất cứ ai trong thời khắc nào đó của cuộc đời đặt cho chính mình.
Dị bản thể hiện góc nhìn và câu trả lời của Nguyễn Đinh Khoa đối với những vấn đề này.
Loài người có bị thay thế bởi những “dị bản”?
Trong Dị bản, tác giả nhìn thấy những bất hạnh của con người: Từ nỗi đau của gia đình có đứa con nhỏ bị đuối nước mất tích, để lại nỗi dằn vặt và tan nát ở những người ở lại.
Nỗi buồn đau thúc đẩy cuộc tự sát của Du – cô gái chuyển giới. Cho đến nỗi đau lớn hơn, như môi trường bị hủy hoại và khủng hoảng về định nghĩa “thế nào là con người” khi trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ, việc tạo ra một “bản sao” hệt như con người đã không còn là điều ngoài tầm với.
Liệu loài người có diệt vong và bị thay thế bởi những “dị bản” được biến đổi gene ưu việt hơn, ứng xử “hoàn hảo” hơn?
Một trong những vấn đề mà tác phẩm đặt ra cũng là một trong những điều ảnh hưởng đến giới trẻ hiện nay, đặc biệt thế hệ đi qua dịch bệnh: Sự cô đơn và thiếu kết nối. Những người trong gia đình trở thành “người xa lạ chung một mái nhà”.
Cuốn sách mang màu sắc khoa học viễn tưởng (sci-fi), nhưng đi sâu xây dựng chi tiết một thế giới tương lai dường như không phải mục đích chính của tác giả, mà là cách anh kích thích nhân vật và bạn đọc suy ngẫm:
“Nếu con người có những hành động hủy hoại chính mình, không còn cảm thấy gắn bó với những người xung quanh lẫn cuộc sống; Nếu trí tuệ nhân tạo có thể tự phát triển những suy luận riêng của mình… thì điều gì định nghĩa con người?”.
Tác giả cho biết đã ấp ủ Dị bản từ một ý niệm rất đơn giản là viết về những nỗ lực tột cùng của một kẻ từng bị bạo hành về mặt tinh thần, muốn kết nối lại với người thân của mình.
“Từ bi kịch của một gia đình, tôi đặt nhân vật vào bức tranh của thời đại: dịch bệnh, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cho đến viễn cảnh diệt vong của con người.
Chúng ta đang mất dần sự kết nối giữa con người với con người và giữa con người với điều kiện sống xung quanh. Và giữa sự xoay chuyển của thế giới, họ học được những bài học, để tồn tại và được thấu hiểu”, Đinh Khoa nói.
Nguyễn Đinh Khoa là cây bút trẻ kiên trì. Truyện dài Độc hành của anh từng đạt giải Văn học tuổi 20 lần 6, năm 2018.
Những tác phẩm của anh xuất phát từ nhu cầu thôi thúc bên trong, mang đậm dấu ấn nghề nghiệp và hiểu biết của bản thân, tạo sự hấp dẫn và đồng cảm nơi người đọc.
Nhà xuất bản Trẻ phát hành bốn tựa sách của các tác giả trẻ trong nước, trong định hướng đồng hành cùng tác giả Việt.
Bốn tác phẩm gồm: Lạc đà bay của Võ Đăng Khoa; Dị bản của Đinh Khoa; Hai người trong một ngăn tủ của Phát Dương và Nơi không có tuyết của Huỳnh Trọng Khang.