Bộ GD-ĐT vừa ban hành 2 thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Cụ thể, Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT.
Các thông tư này có hiệu lực từ ngày 16.12. Điều khiến các nhà trường và địa phương tâm tư nhất là vị trí việc làm y tế học đường được xếp vào danh mục hỗ trợ, phục vụ và thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động mà không phải là viên chức giáo dục hoặc viên chức y tế.
KHOẢNG TRỐNG TRONG Y TẾ HỌC ĐƯỜNG
Tại các trường học ở Hà Nội, nhiều nhân viên y tế, nhất là những người đã trúng tuyển viên chức, bày tỏ sự lo lắng và trăn trở. Những người đang thực hiện nhiệm vụ y tế học đường cho rằng công tác y tế học đường thực hiện rất nhiều nhiệm vụ. TP.Hà Nội có số lượng học sinh (HS) ăn bán trú tại trường rất lớn, nhân viên y tế còn có nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm với nhiều nội dung công việc như tiếp nhận, kiểm tra nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, lưu mẫu thức ăn… Bên cạnh việc theo dõi sức khỏe HS, hỗ trợ nhân viên nuôi dưỡng xây dựng chế độ dinh dưỡng cho phù hợp với lứa tuổi, theo mùa, đội ngũ nhân viên y tế còn tham gia giám sát môi trường học đường, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh…
Hiệu trưởng một trường THCS ở Q.Tây Hồ (Hà Nội) cho biết những năm đại dịch vừa qua mới thấy “khoảng trống” trong y tế trường học tác động rõ rệt thế nào khi yêu cầu trường học phải có phòng cách ly, có chăm sóc ban đầu cho HS nghi ngờ nhiễm Covid-19 nhưng trường học lại không có nhân viên y tế.
ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG VỚI TRƯỜNG BÁN TRÚ, NỘI TRÚ
Không chỉ có dịch bệnh, khi trường học có hàng trăm, hàng nghìn HS thì những yêu cầu về phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe ban đầu đặc biệt quan trọng, nhất là những trường bán trú, nội trú. Nhân viên y tế trường học phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ. Hằng ngày, họ phải trực tại trường phòng khi các em HS xảy ra tai nạn, thương tích. Đối với trường học có tổ chức bán trú, nhân viên y tế phải đến sớm để tiếp nhận, kiểm tra thực phẩm, lưu mẫu… Ngoài ra còn thực hiện theo dõi sức khỏe, biểu đồ tăng trưởng, chỉ số BMI của HS để xây dựng và thay đổi phương án đảm bảo dinh dưỡng phù hợp, giám sát vệ sinh môi trường học đường, phòng chống dịch bệnh, bệnh học đường, bạo lực học đường, phát hiện sớm các dấu hiệu của trẻ tự kỷ…
Với các tỉnh miền núi, HS từ lớp 1 đã phải ở nội trú tại trường để không phải đi học quá xa thì nhân viên y tế càng đặc biệt quan trọng. Bà Phạm Thị Minh Hằng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Khao Mang (H.Mù Cang Chải, Yên Bái), chia sẻ: nhà trường có gần 1.000 HS, trong đó hơn 70% các em phải ở nội trú tại trường. Từ lớp 1, lứa tuổi còn rất non nớt, sức đề kháng chưa tốt, các em đã phải xa nhà nên việc chăm sóc sức khỏe đương nhiên phải do nhà trường đảm nhiệm, khi các em ốm đau phải có người chăm sóc tại chỗ. Do vậy, nếu nhân viên y tế không có hoặc chỉ có ở vị trí “hỗ trợ, phục vụ” và hợp đồng thì sẽ rất khó tuyển dụng được. Công việc quá vất vả, chế độ lương hợp đồng thấp thì nhân viên y tế sẽ không chọn trường học để làm việc.
Ông Bùi Văn Thư, Trưởng phòng GD-ĐT H.Mèo Vạc (Hà Giang), cho biết toàn huyện có hơn 29.000 HS học tập tại 53 trường mầm non, tiểu học, THCS, song mới có 30 nhân viên y tế học đường. Việc một nhân viên y tế phải kiêm nhiệm 3 trường là điều khó tránh khỏi. Việc nhiều, lương thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó tuyển dụng nhân viên y tế học đường.
“Chúng tôi mong được bổ sung biên chế, có chính sách thu hút để tuyển dụng được nhân viên y tế trường học cho cơ sở giáo dục trên địa bàn, điều chỉnh vị trí “y tế học đường” từ danh mục hỗ trợ, phục vụ sang vị trí việc làm chuyên môn để bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ này khi tuyển dụng”, ông Thư đề xuất.
Tại Hải Dương, toàn tỉnh chỉ có hơn 200 trường có nhân viên y tế là viên chức, còn hàng trăm đơn vị chưa có nhân viên y tế chuyên trách, phải bố trí người kiêm nhiệm hoặc không có người kiêm nhiệm, do thiếu giáo viên. Nhiều trường cho biết người ứng tuyển khi biết chỉ được ký hợp đồng và mức lương thấp nên “gần như bỏ về luôn”.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới GD-ĐT mới đây, lãnh đạo UBND một số địa phương cũng đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ cần sửa quy định, đưa nhân viên y tế vào vị trí biên chế trong trường học để các địa phương có căn cứ tuyển dụng, tránh tình trạng nhiều trường “trắng” nhân viên y tế như hiện nay.
Bộ GD-ĐT đề xuất gì ?
Thông tin thêm về căn cứ ban hành hai thông tư trên và việc nhân viên y tế được xếp vào nhóm hỗ trợ, phục vụ và hợp đồng, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), lý giải: ngày 30.12.2022, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 12/2022/TT-BNV, trong đó vị trí y tế học đường được xếp vào danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ. Đội ngũ nhân viên y tế trường học tuyển mới sau ngày 15.2.2023 (thời điểm Thông tư số 12/2022/TT-BNV có hiệu lực) thì thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận ghi nhận từ thực tế cho thấy quy định này khiến nhân viên y tế có nhiều tâm tư. Bộ GD-ĐT nhận được nhiều ý kiến của các tỉnh, thành phố, của đội ngũ nhân viên trường học liên quan đến danh mục vị trí việc làm.
Do vậy, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi Bộ Nội vụ xem xét, bổ sung, điều chỉnh danh mục vị trí việc làm. Trong đó, đề nghị điều chỉnh vị trí “y tế học đường” từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong các cơ sở giáo dục.