Ngày 16/12 ghi nhận lượng khí đốt hàng ngày mà tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cung cấp cho Trung Quốc qua đường ống Sức mạnh Siberia (Power of Siberia) lên mức cao kỷ lục.
Tập đoàn Gazprom tăng đáng kể lượng cung khí đốt cho Trung Quốc. (Nguồn: Bloomberg) |
Hãng thông tấn TASS dẫn thông báo của Gazprom nêu rõ: Ngày 16/12, lượng khí đốt qua đường ống Sức mạnh Siberia vượt quá nghĩa vụ hợp đồng hằng ngày.
Theo thông báo, việc cung cấp khí đốt cho Bắc Kinh được thực hiện theo thỏa thuận mua bán khí đốt dài hạn song phương giữa Gazprom và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC).
Trước đó, Gazprom cho biết, kể từ giữa tháng 11, tập đoàn này đã tăng đáng kể khối lượng khí đốt cung cấp cho Trung Quốc theo thỏa thuận bổ sung mà hai bên đã ký trước đó.
* Không chỉ khí đốt, dầu Nga cũng đang “lũ lượt” sang Trung Quốc. Công ty phân tích năng lượng Kpler cho biết, xuất khẩu dầu loại ESPO của Nga từ cảng Viễn Đông đạt mức cao nhất mọi thời đại, lên tới 925.000 thùng/ngày trong tháng 12/2023.
Trong đó, 85% số thùng dầu được chuyển đến Trung Quốc.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, xu hướng gia tăng xuất khẩu loại dầu thô này là do nguồn cung đường sắt tăng.
Từ năm 2022, Moscow đa dạng hóa nguồn cung năng lượng để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh cấm các tàu chở đầu của nước này đi qua hành lang biển của khối.
Các công ty dầu mỏ của Nga sau đó định tuyến lại nguồn cung cấp dầu thô Đông Siberia sang châu Á và nối lại vận chuyển bằng đường sắt – vốn ít được sử dụng trong những năm gần đây vì chi phí cao.
Đầu năm nay, Nikolay Tokarev, người đứng đầu Transneft, công ty vận tải đường ống dẫn dầu thuộc sở hữu nhà nước của Nga cho hay: “Chúng tôi đang chuẩn bị khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu thô ESPO bằng đường sắt, trước đây chỉ có khoảng 15 triệu tấn dầu được vận chuyển bằng con đường này”.
Theo Kommersant, các nhà xuất khẩu dầu của Moscow hưởng lợi từ việc sản lượng dầu ESPO xuất khẩu tăng. Loại dầu thô này hiện đang được giao dịch ở mức cao hơn so với dầu hỗn hợp Urals.
Ngoài ra, dầu ESPO còn đem lại lợi nhuận cao hơn các loại dầu khác do tuyến đường vận chuyển tới Trung Quốc tương đối ngắn.