Thái Nguyên đang sở hữu đầy đủ các yếu tố cần thiết để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, ngay cả những nhà đầu tư khó tính nhất. Định hướng, giải pháp liên quan đến phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư được kỳ vọng sẽ góp phần củng cố năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh, từ đó kiến tạo thêm cơ hội để tỉnh thu hút “đại bàng” đến “làm tổ”.
Trung tâm thành phố Thái Nguyên. (Nguồn: Báo Thái Nguyên) |
Nằm cách sân bay quốc tế Nội Bài chỉ khoảng 50 km với 45 phút lái xe, cách cảng Hải Phòng khoảng 160 km, Thái Nguyên là điểm nút giao thông quan trọng, có hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẻ quạt kết nối với các tỉnh thành trong khu vực.
Việc sở hữu nhiều tiềm năng với vị trí địa lý quan trọng, hệ thống giao thông, kết nối hạ tầng đồng bộ là nền tảng và đòn bẩy giúp Thái Nguyên trở thành một trong những vùng kinh tế phát triển nhất trong nước.
Chỉ đạo tập trung, quyết liệt
Nhờ tích cực cải cách hành chính, chính sách đầu tư ưu đãi, cùng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, Thái Nguyên hiện là một trong những địa phương thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) lớn và hiệu quả nhất các tỉnh phía Bắc. Tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh trong 10 tháng năm 2023 tiếp tục phát triển mạnh mẽ dù bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức.
Với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự đoàn kết, đồng lòng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nên tình hình kinh tế – xã hội đã dần cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2023 ước đạt 4,35% so với cùng kỳ, cao hơn bình quân chung cả nước (4,24%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,83%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,85%; khu vực dịch vụ tăng 7,96%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,47%.
Giá trị xuất khẩu trên địa bàn 10 tháng năm 2023 ước đạt 22,57 tỷ USD, bằng 84,8% so với cùng kỳ, bằng 64,5% kế hoạch cả năm. Trong đó, giá trị xuất khẩu địa phương ước đạt 613,5 triệu USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 13.283 tỷ đồng, bằng 87,9% so với cùng kỳ, đạt 67,9% so với dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 66,4% so với dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 9 tháng đạt 42,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ.
Theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Thái Nguyên được quy hoạch 11 khu công nghiệp (KCN). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 KCN đã đi vào hoạt động; 2 KCN được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, đang tiến hành các bước thu hút, lựa chọn nhà đầu tư; 4 KCN được HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Hiện nay, Ban quản lý các KCN đang tiến hành các bước lập đồ án, quy hoạch phân khu.
Về thu hút đầu tư FDI, tính chung 10 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 31 dự án FDI cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 209,9 triệu USD, 10 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký đạt 19,53 triệu USD. Luỹ kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 201 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng mức đầu tư đạt gần 10,58 tỷ USD.
Tạo không gian để thu hút đầu tư
Nắm bắt tiềm năng, lợi thế giáp Thủ đô Hà Nội, cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông thuận tiện, thời gian qua tỉnh Thái Nguyên nỗ lực chủ động triển khai xây dựng những KCN hiện đại để đón các nhà đầu tư.
Điển hình như KCN Yên Bình I rộng 400 ha được xây dựng ngay bên cạnh đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên. Với hạ tầng đồng bộ bao gồm giao thông, cấp, thoát nước, xử lý nước thải, công nghệ thông tin hiện đại, KCN Yên Bình I đã trở thành điểm đến của những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Năm 2013, Tập đoàn Samsung đầu tư vào Khu công nghiệp Yên Bình I với số vốn ban đầu là hai tỷ USD, sau một năm tăng vốn thêm ba tỷ USD và liên tục sau đó Samsung mở rộng quy mô, đến nay đầu tư hơn 7,5 tỷ USD, sản xuất lượng hàng hóa xuất khẩu rất lớn.
Sự đầu tư của Samsung trên diện tích 200 ha tại Khu công nghiệp Yên Bình I đã kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ, cung ứng, các nhà cung ứng cấp 1 không chỉ lấp đầy khu công nghiệp này mà còn đầu tư tại các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Thái Nguyên xác định hạ tầng giao thông kết nối đi trước một bước để tạo tiền đề phát triển công nghiệp giai đoạn tiếp theo.
Hiện nay, tỉnh đang triển khai đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn rộng từ bốn đến sáu làn xe, trong đó đoạn nút giao Yên Bình kết nối với cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên với Quốc lộ 37 trên địa bàn huyện Phú Bình đã hoàn thành, đang triển khai đoạn Quốc lộ 37 kết nối với tỉnh Bắc Giang.
Dự án giao thông trọng điểm khác có thiết kế hiện đại, kết nối với các tỉnh công nghiệp phát triển là Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc với vốn đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng cũng đang được tỉnh khẩn trương thi công. Dự kiến, một năm tới, hai tuyến đường trọng điểm, có tính kết nối cao sẽ được đưa vào sử dụng, tạo ra không gian thu hút đầu tư để Thái Nguyên phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo đó, trên cơ sở giao thông kết nối thuận tiện, thời gian tới tỉnh đầu tư mới và mở rộng tổng số 12 KCN, nâng tổng diện tích đất các KCN lên 4.245 ha, gấp 3 lần so với hiện nay và hơn 40 CCN với diện tích khoảng 2.000 ha.
Hồ Núi Cốc. (Nguồn: TTXVN) |
Thời gian qua, tỉnh có nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài; bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu, cụm công nghiệp, nơi tập trung nhiều nhà đầu tư nước ngoài; tập trung nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội để thu hút đầu tư, trong đó trọng tâm là hạ tầng giao thông, đồng bộ hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Để có được kết quả nêu trên, tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại 208 cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh, trong đó 19 trong số 20 sở, ban, ngành (trừ Thanh tra tỉnh), tất cả chín Ủy ban nhân dân cấp huyện và 177 xã, phường, thị trấn. Cùng với nhiều sáng kiến, sự chỉ đạo quyết liệt, lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành hỗ trợ, giải đáp và hướng dẫn nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, định kỳ báo cáo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Thông qua các cuộc họp, kể cả trực tuyến, tỉnh Thái Nguyên ghi nhận và kịp thời xử lý các đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư trong quá trình triển khai các dự án. Nhờ đó, có nhiều dự án FDI sau khi đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhà đầu tư tiếp tục tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.
Đáng chú ý, Thái Nguyên cũng đang nổi lên là “mảnh đất hứa” trong đầu tư với những chính sách ưu đãi đặc thù. Tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo, đào tạo lại cho người lao động. Đây là cơ chế riêng có của Thái Nguyên. Các nhà lãnh đạo của tỉnh đều trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm… Sự nhiệt huyết, quyết liệt và thống nhất trong chỉ đạo, điều hành đã tạo nên một chính quyền kiến tạo, đưa ra nhiều quyết định bứt phá.