TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, tăng lương tạo ra động lực để giữ chân công chức của khu vực công, thu hút người tài…
Tăng lương là đầu tư cho phát triển, tạo động lực cho bộ máy của khu vực công lập. |
Vừa qua, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện chính sách tiền lương từ 1/7/2024. Dự kiến tổng nguồn ngân sách Trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132 nghìn tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, ngân sách đã bố trí 562 nghìn tỷ đồng đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết 27/2018 của Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 – 2026 là hơn 499 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi cho cải cách tiền lương là 470 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11,1 nghìn tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18 nghìn tỷ đồng.Tiền lương trung bình của công chức, viên chức tăng 32% so với thu nhập bình quân của lao động.
Dự kiến, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ phương án tăng lương lương tối thiểu vùng. Trong các phiên thảo luận tại Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị tăng lương tối thiểu vùng đồng thời với lộ trình thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024.
“Qua 4 lần cải cách tiền lương, tôi thấy chưa có lần nào chính sách tiền lương đồng bộ, toàn diện, căn bản như lần này. Đây là một chính sách lương mới rất tiến bộ, công bằng, thật sự hài hòa và hợp lý”, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay.
Đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển
Bày tỏ quan điểm của mình, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội cho rằng, cải cách tiền lương vào ngày 1/7/2024 là thời điểm phù hợp với mục tiêu bảo đảm cho người lao động đủ sống bằng lương.
Ông Lợi nhận định, thực tế tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa đủ để đáp ứng những nhu cầu cuộc sống, rất khó tạo ra đội ngũ công chức chuyên nghiệp, chuyên cần và hiệu quả. Việc cần thiết và cấp bách đặt ra trước mắt là phải đẩy nhanh tốc độ cải cách chính sách tiền lương để đảm bảo đời sống của người lao động. Đồng thời, đảm bảo mức lương chi trả tương xứng, thể hiện đúng giá trị sức lao động của cán bộ công chức, viên chức.
Đối với khu vực có quan hệ lao động, tiền lương phải đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ (theo quy định của Bộ luật lao động). Đối với khu vực công chi tiền lương cho cán bộ, công chức chính là chi cho đầu tư phát triển. Do đó, ông Lợi cho rằng, phải cải cách tiền lương để nó thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy cán bộ, công chức nâng cao năng lực để thực thi công vụ có hiệu quả hơn, giảm thiểu tham nhũng.
Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, việc cải cách tiền lương trong điều kiện hiện nay là tin vui cho cán bộ công chức, viên chức, tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức hứng thú làm việc, thúc đẩy tăng năng suất lao động, gắn bó với cơ quan đơn vị.
Đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển, lương quá thấp khiến cán bộ, công chức đã phải làm nhiều việc để có thêm thu nhập. Bên cạnh đó, lương thấp không đủ sống dẫn đến hệ lụy là cán bộ, công chức, viên chức thiếu động lực làm việc, cống hiến không hết mình vì tiền lương không phản ánh đúng giá trị sức lao động mà lực lượng này đóng góp cho cơ quan, đơn vị.
Bản chất tiền lương công chức là cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tiền lương phải tiệm cận với giá trị sức lao động thị trường, cần phải hướng tới sự công bằng, thực chất. Cần phải xây dựng tiền lương tối thiểu của công chức hành chính ngang bằng với sức lao động.
“Do vậy, cải cách chính sách tiền lương phải bảo đảm tiền lương đủ sống cho cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp dịch vụ công, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động”, TS. Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.
TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nước ta luôn coi con người là trọng tâm, là mục tiêu, là động lực của sự phát triển. |
Cải cách tiền lương để thu hút người tài
Mục tiêu cải cách tiền lương là bảo đảm cho người lao động đủ sống bằng lương. Đặc biệt, phải xem xét quy định các loại phụ cấp đặc thù cho các ngành lĩnh vực đặc thù. Đồng thời, để giữ chân người lao động đang làm việc tại các lĩnh vực đó cũng như thu hút nhân tài có năng lực chuyên môn vào khu vực công nhằm khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư.
Nước ta luôn coi con người là trọng tâm, là mục tiêu, là động lực của sự phát triển. Để thực hiện được mục tiêu, hiện thực hóa được tư tưởng này, việc thực hiện cải cách tiền lương, đảm bảo đời sống vật chất cho người lao động, cán bộ, công chức, viên chức là vô cùng quan trọng.
Cũng theo TS. Bùi Sỹ Lợi, điều quan trọng là tạo ra động lực để giữ chân công chức của khu vực công, tạo động lực cho bộ máy của khu vực công lập. Từ đó, bảo đảm tiền lương đủ sống để cán bộ, công chức, viên chức không phải ‘chân ngoài dài hơn chân trong’, toàn tâm toàn ý thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công theo vị trí việc làm của các ngành, lĩnh vực.
Ngoài ra, theo ông Lợi, chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá kỹ lưỡng tình trạng một đội ngũ, lực lượng công chức cán bộ của khu vực công tràn ra khu vực tư hiện nay. “Trong xã hội công nghiệp 4.0, nguồn nhân lực là vô cùng quý giá. Phải phấn đấu để có một xã hội tiến bộ, cách mạng công nghiệp 4.0 phải là làm ít, hưởng thụ nhiều. Quan trọng nhất là áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, kinh tế số, để giảm tối đa lao động thủ công mà vẫn tăng năng suất lao động”, TS. Bùi Sỹ Lợi nói.
Đại biểu Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ) cho biết, theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo có nêu “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.
Tuy nhiên, theo Đại biểu Phượng, qua 10 năm thực hiện chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình. Nhiều người đã phải nghỉ, chuyển việc hoặc là làm thêm, vì vậy dẫn đến tình trạng chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề. Từ đó, nữ đại biểu đoàn Phú Thọ đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. |