UAETrang trại Bustanica của Emirates Crop One cho sản lượng 3 tấn rau xanh/ngày với diện tích 10.000 m2.
Biến đổi khí hậu đang khiến nông nghiệp truyền thống trở nên khó khăn hơn, buộc các thương gia phải tìm kiếm giải pháp mới để giải quyết tận gốc vấn đề. Bustanica là trang trại thẳng đứng lớn nhất thế giới ở Dubai. Những sản phẩm của họ nằm trong thực đơn trên chuyến bay của hãng Emirates. Rau củ của họ cũng có mặt ở nhiều siêu thị tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Cơ sở rộng 10.000 m2 của Bustanica sản xuất 3 tấn rau xanh hàng ngày trong môi trường kiểm soát về nhiệt độ, độ ẩm, lượng nước và dưỡng chất. Trang trại chỉ sử dụng lượng đất và nước rất nhỏ so với trang trại truyền thống, theo CNA.
“Nếu bạn muốn sản xuất cùng lượng rau lá xanh, bạn sẽ cần gần 470.000 m2 đất, gấp khoảng 2 lần diện tích sân bay quốc tế Dubai”, Feras Al Soufi, tổng giám đốc Emirates Crop One, công ty điều hành dự án, cho biết.
Trang trại đã hoạt động gần một năm, sử dụng ít hơn 95% nước so với trang trại thông thường. Ở quốc gia khan hiếm nước như UAE, trong đó phần lớn nguồn cung cấp nước đến từ nhà máy khử mặn sử dụng nhiều năng lượng, lượng nước tiêu thụ ít hơn giúp giảm bớt gánh nặng cung cấp điện và hạn chế khí thải. “Thông thường, để sản xuất một kilogram xà lách, bạn cần 370 l nước. Trong khi đó, ở Bustanica, chúng tôi chỉ cần 15 – 17 l nước”, Al Soufi cho biết. Ông ước tính Bustanica tiết kiệm khoảng 200 triệu l nước một năm.
Đây không phải công ty duy nhất xúc tiến trồng trọt trong nhà ở UAE. Công ty công nghệ nông nghiệp Alesca Life xây dựng trang trại thẳng đứng tự động gieo trồng rau lá xanh và cung cấp giải pháp quản lý trang trại. Trang trại lắp đèn LED cùng nhiều thiết bị tưới tiêu và theo dõi tùy chỉnh, trông giống container chở hàng, có thiết kế module linh động. Trong khi công ty mẹ nằm ở Singapore, Alesca Life cũng hoạt động ở Trung Quốc, Nhật Bản và UAE. Trong thập kỷ qua, họ đã cung cấp công nghệ cho khách hàng ở các nước đó và Arab Saudi.
Một công ty khách là Food Tech Valley ký thỏa thuận tại hội nghị biến đổi khí hậu COP28 nhằm phát triển trang trại “GigaFarm” rộng 83.613 m2 trồng 3 triệu kg thực phẩm một năm, tương đương 2 tỷ cây. Theo dự kiến, hệ thống khép kín của họ sẽ giúp loại bỏ thức ăn thừa và tiết kiệm nước đến mức không cần kết nối với nguồn cung cấp nước chính hoặc dùng nước ngầm. Quá trình thi công sẽ bắt đầu vào năm sau và đi vào hoạt động đầy đủ năm 2026.
Cả an ninh lương thực và tính bền vững là những mối quan tâm chính của UAE, quốc gia vùng Vịnh nhập khẩu 83% lương thực. UAE đang đặt mục tiêu đứng đầu thế giới về an ninh lương thực vào giữa thế kỷ 21. Họ đối mặt một số mục tiêu và thách thức giống Singapore, đất nước nhập khẩu khoảng 90% lương thực cũng dựa vào trang trại công nghệ cao và phương pháp nông nghiệp tiên tiến để tăng cường sản lượng.
An Khang (Theo CNA)