Sự kiện này được tổ chức bởi UNESCO, BRIN (Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới quốc gia Indonesia), liên minh U-INSPIRE với sự tham gia của hơn 100 thanh niên và chuyên gia trẻ đến từ 15 quốc gia, bao gồm Afghanistan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Maldives, Mongolia, Nepal, Nigeria, Philippines, Timor-Leste, Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản, Lào và 2 quốc gia tham dự trực tuyến là Malawi và Pakistan.
Được tài trợ toàn phần do ban tổ chức đánh giá là cá nhân xuất sắc
Thu Hương là sinh viên duy nhất của Việt Nam được tài trợ toàn phần bởi văn phòng UNESCO Jakarta để tham gia chuỗi sự kiện này.
Để được chọn tham gia, Hương phải chứng minh các công trình sáng tạo hoặc học thuật có thể có giá trị cho sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Hương đã làm bài luận để thể hiện những nội dung mà ban tổ chức đưa ra: động lực của bạn khi tham gia hội thảo, tại sao việc tham gia hội thảo lại quan trọng đối với bạn, mục tiêu ngắn hạn của bạn trong việc sử dụng kiến thức hoặc chuyên môn của mình để giảm thiểu rủi ro thiên tai ở quốc gia của bạn, ý kiến của bạn về cách thanh niên có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai ở cấp quốc gia và toàn cầu.
Đồng thời, ban tổ chức cũng yêu cầu ứng viên phải “mô tả trải nghiệm mà bạn thể hiện kỹ năng lãnh đạo tốt nhất của mình”.
Bài luận của Hương đã được ban tổ chức duyệt và Hương là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia chương trình. Theo quy định, các cá nhân tham gia đều phải tự lo chi phí, tuy nhiên, Hương đã được tài trợ toàn phần do ban tổ chức đánh giá là cá nhân xuất sắc.
Hương chia sẻ: “Em có được kỹ năng viết luận nhờ vào kiến thức em học được ở ngành ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố chính để em được chọn. Mà theo em, những kiến thức từ việc tham gia cuộc thi xe tự hành quốc tế của Bosch trước đó đã giúp em được đánh giá cao. Ban tổ chức dựa vào tiêu chí kỹ thuật công nghệ của SETI (Science, Engineering, Technology, Innovation), các kỹ năng ngoại giao và giải quyết các vấn đề về mục tiêu phát triển bền vững để quyết định”.
Trước đó, Hương cũng được chọn tham gia hội nghị Asia Youth International Model United Nations (mô hình quốc tế thanh niên châu Á Liên Hiệp Quốc) tại Kuala Lumpur, Malaysia vào tháng 8 vừa qua, với sự tham gia của bạn trẻ đến từ 80 quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm lên tiếng, chia sẻ quan điểm của mình để chung tay giải quyết những vấn đề chung của thế giới.
Những kiến thức, trải nghiệm quý giá
Trong suốt 4 ngày tại Indonesia, liên tục từ 9 giờ sáng đến 21 giờ, Hương cùng các chuyên gia trẻ đến từ nhiều quốc gia đã tham gia các hoạt động dày đặc. Từ hội thảo, thảo luận về những vấn đề như nghiên cứu và đổi mới chiến lược về thảm họa hàng hải hướng tới chính sách toàn cầu, phương pháp chiến lược để giải quyết xung đột trong đối phó với thảm họa và biến đổi khí hậu để bảo đảm an ninh quốc gia… đến việc đi thực tế tại các khu rừng ngập mặn, ven biển sụt lún để hiểu rõ hơn về những vấn đề tồn tại của thiên nhiên.
Hương chia sẻ: “Là đại diện Việt Nam, em đã có nhiều trải nghiệm quý báu từ chuyến đi này. Một trong những điểm quan trọng là sự kiện đã tập trung vào việc tăng cường vai trò của thanh niên và chuyên gia trẻ trong việc giảm rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu thông qua khoa học, kỹ thuật, công nghệ, và đổi mới (SETI). Em đã hiểu rõ về sự cần thiết của sự hợp tác và tạo ra một cộng đồng quốc tế để chia sẻ ý tưởng và triển khai các giải pháp”.
Trải nghiệm tham gia hoạt động trồng rừng ngập mặt tại Mangrove cho Hương cảm giác kết nối mạnh mẽ giữa cộng đồng và môi trường. Hương cũng đã cùng với mọi người tham gia hành động để bảo vệ và phục hồi dải ven biển tự nhiên tại Indonesia.
Đặc biệt, Hương đã được nghe và học hỏi quan điểm của nhiều thanh niên và chuyên gia trẻ từ các quốc gia khác nhau. “Điều này đã mở rộng tầm nhìn của em và từ đó có thể tận dụng sự đa dạng này để xây dựng những giải pháp đổi mới và hiệu quả. Em tin rằng thông qua việc kết nối và hợp tác với U-INSPIRE, UNESCO, và các tổ chức quốc tế khác, chúng ta có thể đưa ra những ý tưởng và dự án cụ thể để cải thiện khả năng chống chọi với thảm họa và biến đổi khí hậu tại Việt Nam”, Hương nhận định.
Một tinh thần mà Hương học được nữa là “Leave no one behind” trong mọi hoạt động. Tinh thần này đề cập đến cam kết đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau, nghĩa là mọi người, bao gồm cả những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn hay đặc biệt, đều được đối xử công bằng và có cơ hội tham gia đầy đủ trong các hoạt động, chia sẻ kiến thức, và hưởng lợi từ hội thảo một cách bền vững.
“Em nghĩ mình sẽ mang những kiến thức, trải nghiệm quý báu này về chia sẻ và áp dụng trong những hoạt động cộng đồng sắp tới tại Việt Nam”, Hương bày tỏ.
Hiện Hương đang là sinh viên năm cuối, đã học hết môn và chuẩn bị thực tập. Cô nữ sinh xinh đẹp có định hướng thực tập và làm việc ở môi trường đa quốc gia, và ấp ủ thực hiện những dự án cộng đồng để góp một phần công sức giải quyết các vấn đề xã hội.
“Trong tương lai, em sẽ vừa đi làm, vừa tiếp tục đi học và tham gia vào các cuộc thi dành cho thanh niên. Chẳng hạn em đang gửi dự án tham gia một cuộc thi của Mỹ cho các nhà lãnh đạo trẻ ở Đông Nam Á. Dự án được thông qua sẽ được tài trợ 15.000 USD từ Bộ Ngoại giao Mỹ và khoản trợ cấp từ phái đoàn Mỹ tại ASEAN để thực hiện việc cải thiện cộng đồng, quốc gia và khu vực”, Thu Hương chia sẻ thêm về kế hoạch của mình.