Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, thường được gọi tắt là Công ước ICCPR, là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người với sự tham gia đông đảo của 173 quốc gia trên thế giới.
Nội dung Công ước ICCPR bao trùm tất cả các quyền dân sự và chính trị của con người, có thể hiểu là các quyền này gắn với bất kỳ con người nào từ khi sinh ra cho tới quyền được sống trong hòa bình, an ninh an toàn; quyền tham gia vào đời sống dân sự, chính trị không bị phân biệt đối xử.
Có thể thấy, với vai trò đặc biệt và trung tâm trong hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người, việc triển khai thực hiện Công ước ICCPR đã, đang và sẽ luôn là nội dung quan trọng trong các cuộc thảo luận về chính sách, pháp luật ở tầm quốc tế, khu vực và quốc gia.
Kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên Liên Hợp quốc (năm 1977) và gia nhập Công ước ICCPR (năm 1982), Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trong việc thực hiện các nghĩa vụ của quốc gia thành viên của Công ước ICCPR. Điều này được minh chứng thông qua công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về các quyền dân sự, chính trị.
Mặt khác đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quyền dân sự, chính trị với nhiều kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Công ước ICCPR ở cấp độ quốc gia. Ngoài ra Việt cũng tăng cường thực thi pháp luật trong tất cả các lĩnh vực.
Trong hơn 40 năm tham gia ICCPR, Việt Nam đã có bốn lần nộp báo cáo quốc gia lần lượt vào các năm 1989, 2001, 2017 và 2023.
Là thành viên Công ước ICCPR, Việt Nam đã có những bước phát triển trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, hàng trăm đạo luật đã được rà soát, xây dựng và hoàn thiện. Chỉ tính riêng giai đoạn từ tháng 01/2019 đến tháng 12/2022, Việt Nam đã thông qua 56 luật, nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến quyền con người, quyền công dân, góp phần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 cũng như các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, để thực hiện nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ các quyền con người, Việt Nam không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, theo đó, xác định rõ ràng hơn thẩm quyền của các cơ quan nhà nước có liên quan đến bảo vệ, bảo đảm quyền con người.
Kể từ năm 2013, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối thực thi Công ước ICCPR, cũng trong năm này, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013 với một chương riêng quy định về quyền con người, quyền công dân.
Hơn 40 năm triển khai thực hiện Công ước ICCPR, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Công ước ICCPR tại Việt Nam còn có nhiều khó khăn, thách thức, trong số đó có thể kể đến thách thức do hoàn cảnh lịch sử.
Với những kết quả phát triển kinh tế – xã hội tích cực trong thời gian gần đây, Việt Nam đã nỗ lực từng bước đẩy mạnh việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người.
Dù vậy khung khổ pháp luật về quyền con người ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện; năng lực tổ chức thực hiện pháp luật còn hạn chế do đây là vấn đề cần có sự đầu tư lớn và nhiều thời gian. Hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện hiệu quả pháp luật và Công ước ICCPR.
Trước những biến động của tình hình khu vực và quốc tế như các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang tại một số khu vực, chủ nghĩa cực đoan, khủng bố diễn ra nhiều nơi trên thế giới, suy thoái kinh tế, công nghệ thông tin phát triển với tốc độ cao… đang có những tác động tiêu cực tới Việt Nam. Những thách thức này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới mỗi người dân mà còn làm phân tán nguồn lực của đất nước, làm giảm hiệu quả của các chính sách khuyến khích và thúc đẩy phát triển quyền dân sự, chính trị.
Trà Khánh