Theo báo The Economist, việc sở hữu tên lửa tầm xa giờ không còn giới hạn ở một số cường quốc quân sự như trước mà đã mở rộng tới nhiều quốc gia, cũng như các lực lượng dân quân tại Trung Đông.
Điều này làm thay đổi bối cảnh chiến lược trong khu vực và dẫn đến cuộc chạy đua tên lửa mang đến nhiều lo ngại.
Theo ước tính của chuyên gia Hassan Elbahtimy thuộc Đại học King College tại London (Anh), hiện có 11 quốc gia trong khu vực sở hữu tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình với tầm bắn hơn 250km.
Một thống kê của Israel cho biết, lực lượng vũ trang Hamas sở hữu khoảng 30.000 tên lửa vào năm 2021. Kho vũ khí tinh vi hơn của lực lượng Hezbollah ở Lebanon hiện có khoảng 150.000 tên lửa, trong đó có khoảng 400 tên lửa tầm xa có thể tấn công bất cứ nơi nào ở Israel.
Quan trọng hơn là các quốc gia không còn độc quyền về công nghệ. 20 năm qua, Iran đã cung cấp máy bay không người lái, rocket và tên lửa cũng như bí quyết chế tạo cho Hamas, lực lượng Houthi ở Yemen, lực lượng dân quân ở Iraq và Syria, nhất là Hezbollah. Kết quả là các nhóm vũ trang hiện trở thành mối đe dọa quân sự mà cách đây 20 năm chỉ các quốc gia mới có thể làm được.
Tuy nhiên, những con số không phải là vấn đề chính. Trước đây, hầu hết các quốc gia muốn đánh kẻ thù ở xa đều cần lực lượng không quân tốn kém. Nhưng giờ đây, những bên tham gia không cần thiết sở hữu lực lượng không quân vẫn có khả năng tấn công sâu vào đối thủ. Điều đó làm thay đổi tính toán chiến lược. Trong một cuộc chiến tranh trong tương lai mà nhiều quan chức Israel cho là không thể tránh khỏi, đó là tỷ lệ tên lửa bắn ra và tên lửa đánh chặn được sử dụng sẽ tăng lên.
Kỹ sư người Israel Yair Ramati, cựu lãnh đạo cơ quan phòng thủ tên lửa của Bộ Quốc phòng Israel, nhận định, một cuộc chạy đua vũ trang đã diễn ra trong hơn 30 năm qua, trong đó các bên không ngừng xây dựng kho vũ khí của họ, còn Israel phải phát triển hệ thống phòng thủ của mình. Và cuộc đua đó không có dấu hiệu chậm lại.
MINH CHÂU