Ngành du lịch Thừa Thiên Huế chọn kết nối xanh làm định hướng phát triển du lịch trong tương lai. Đó là sự kết nối của 4 yếu tố: điểm đến xanh, hành trình xanh, con người xanh và dịch vụ xanh để hình thành sản phẩm du lịch xanh.
Du lịch xanh là vấn đề được quan tâm từ rất sớm tại Việt Nam, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế. (Nguồn: Đảng Cộng sản) |
Du lịch xanh là vấn đề được quan tâm từ rất sớm tại Việt Nam, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế. Tỉnh đã chọn kết nối xanh làm định hướng phát triển du lịch trong tương lai – llà sự kết nối của 4 yếu tố: điểm đến xanh, hành trình xanh, con người xanh và dịch vụ xanh để hình thành sản phẩm du lịch xanh.
Gia tài văn hóa tiêu biểu
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, nền tảng vững chắc để phát triển du lịch xanh tại tỉnh đó là tỉnh sở hữu cảnh quan thân thiện môi trường ngay giữa lòng đô thị. Huế là thành phố đầu tiên của Việt Nam được Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) vinh danh là “Thành phố xanh quốc gia” với mật độ cây xanh trên đầu người là 12,9 m²/người (2022). Cây xanh, công viên xanh bố trí trải đều khắp thành phố, dọc các con sông.
Bên cạnh đó, tỉnh còn sở hữu hệ thống cảnh quan thiên nhiên sông, biển, núi, rừng rất kỳ thú và hấp dẫn, có truyền thống văn hoá lâu đời; có Cố đô Huế là nơi gìn giữ một “gia tài” văn hóa tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam và toàn nhân loại.
Tỉnh cũng có một hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, nhiều bãi biển đẹp như Lăng Cô, Thuận An, Cảnh Dương. Đặc biệt, hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai lớn nhất khu vực Đông Nam Á, cùng một hệ thống sông ngòi, kênh rạch trải dài toàn tỉnh như sông Hương, sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Truồi…
Từ những hệ thống này, Thừa Thiên Huế có thể phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch văn hóa chất lượng cao kết hợp du lịch biển, du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng.
Thời gian qua, phát huy tiềm năng, lợi thế cua mình, Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch xanh với mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bảo tồn nguyên vẹn về cảnh quan tự nhiên, môi trường sống.
Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, HĐND tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh.
Song song với đó, ngành du lịch và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ hình thành và phát triển nhiều sản phẩm, tour du lịch gắn với bảo tồn sinh thái, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 15 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, trong đó có 12 điểm du lịch sinh thái và du lịch sinh thái gắn với cộng đồng. Đơn cử như: Nhà vườn Lương Quán – Nguyệt Biều tại TP. Huế, khu vực cầu Ngói Thanh Toàn tại thị xã Hương Thủy hay khu sinh thái Đầm Chuồn tại huyện Phú Vang…
Thừa Thiên Huế đã và đang phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng mới của du khách. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Ứng dụng công nghệ số vào phát triển du lịch xanh
Định hướng phát triển du lịch xanh của ngành du lịch Thừa Thiên Huế được xác định bám sát với mục tiêu của Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”.
Tại hội nghị “Kết nối Du lịch Huế 2023” diễn ra mới đây, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, Thừa Thiên Huế đã và đang phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng mới của du khách.
“Thừa Thiên Huế cần xác định và tập trung phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội có lợi thế của tỉnh để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động truyền thống, xúc tiến quảng bá các sản phẩm, chương trình du lịch thu hút du khách nhằm định vị thương hiệu.
Chuyển đổi số đang là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta với việc ban hành nhiều văn bản, nghị quyết chỉ đạo. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số nhằm hỗ trợ hiệu quả phục hồi du lịch cũng là rất cần thiết với địa phương trong bối cảnh hiện nay”, ông Nguyễn Trùng Khánh gợi ý.
Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế thông tin, để tiếp tục phát triển du lịch xanh, Sở sẽ nghiên cứu khai thác hiệu quả tài nguyên, xây dựng, phát triển các tour, sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch thể thao… các hoạt động tham quan, khám phá biển đảo, đảm bảo nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử một cách bền vững và chia sẻ lợi ích với cộng đồng.
Song song với đó, sở sẽ ứng dụng những thành tựu công nghệ số vào việc quản lý phát triển du lịch xanh.