Theo kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature, một nhóm các nhà khoa học quốc tế Anh, Mỹ… phát hiện nguyên nhân ốm nghén nặng bắt nguồn từ hormone gọi là GDF15, tác động lên não của người mẹ gây buồn nôn và nôn mửa.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những phụ nữ bị nôn nhiều có mức GDF15 cao hơn đáng kể khi mang thai so với những người không có triệu chứng.
Hơn 2/3 phụ nữ mang thai bị buồn nôn và nôn trong 3 tháng đầu. Khoảng 2% phụ nữ phải nhập viện vì chứng nôn nghén nặng trong suốt thai kỳ. Tình trạng này có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, làm tăng nguy cơ sinh non, tiền sản giật… đe dọa tính mạng của mẹ và thai nhi.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, việc tiếp xúc lâu dài với GDF15 trước khi mang thai có thể có tác dụng bảo vệ, khiến phụ nữ ít nhạy cảm hơn với sự tăng đột ngột của hormone khi thai nhi phát triển. Ngoài ra, có thể dùng thuốc để ngăn chặn tác dụng của hormone, đang được thử nghiệm trên bệnh nhân ung thư bị chán ăn và nôn mửa cũng do GDF15 gây ra, nếu các thử nghiệm lâm sàng cho thấy loại thuốc này an toàn trong thai kỳ.
HẠNH CHI