Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM vừa tổ chức phiên họp cuối năm để xem xét thông qua Danh mục giải thưởng, tặng thưởng và Danh sách hội viên mới năm 2023. Các giải thưởng Cống hiến, giải thưởng Văn học, giải thưởng Văn học thiếu nhi, giải thưởng lý luận phê bình… được công bố.
Trong đó, giải thưởng Văn học dịch năm nay được Hội Nhà văn TP.HCM trao cho dịch giả J.B (Huỳnh Hữu Phước) với tác phẩm Con gái, tên tiếng Pháp là Fille, tiểu thuyết của Camilie Laurens, NXB Phụ Nữ Việt Nam.
Chiều 16.12, dịch giả Huỳnh Hữu Phước – chàng “shipper nói tiếng Pháp” trên đường sách được Thanh Niên Online đăng tải câu chuyện đã cho biết anh hoàn toàn bất ngờ khi biết cuốn sách đầu tiên mà anh là dịch giả đã được trao giải thưởng Văn học dịch vô cùng vinh dự này.
Anh Huỳnh Hữu Phước chia sẻ về bài báo ‘thay đổi cuộc đời’ trên Thanh Niên Online
“Tất cả đều bất ngờ. Hôm nay em mới biết được thông tin này. Em vui không thể tả nổi khi biết được thông tin. Mọi người đều nhắn tin hỏi thăm, chúc mừng”, Huỳnh Hữu Phước xúc động.
Cũng trong chiều 16.12, trả lời phóng viên Báo Thanh Niên, dịch giả Nguyễn Lệ Chi, Phó chủ tịch Hội đồng Văn học dịch tại Hội Nhà văn TP.HCM, cho biết tiêu chí chấm giải thưởng Văn học dịch là trước hết tác phẩm phải mang chất văn học đúng nghĩa. “Tác phẩm dịch phải truyền tải được đúng tinh thần tác phẩm gốc, văn phong mượt mà, câu từ giàu sắc thái biểu cảm. Đặc biệt khuyến khích động viên các dịch giả trẻ, để gây dựng lớp thế hệ dịch giả mới. Với tiêu chí trên thì dịch giả J.B (Huỳnh Hữu Phước) đã đáp ứng được đủ. Văn phong dịch của bạn khá mượt, trong khi tác phẩm này có thể coi là khó dịch”, bà Nguyễn Lệ Chi nói.
Phó chủ tịch Hội đồng Văn học dịch tại Hội nhà văn TP.HCM cho hay tiểu thuyết Con gái là một tác phẩm thú vị và độc đáo về cuộc đời của phụ nữ từ khi mới sinh ra, là một đứa trẻ, cho tới quãng thời gian dần lớn dần, trưởng thành, yêu đương, kết hôn, sinh con, nhìn con lớn lên và lặp lại cuộc đời như chính mẹ mình, bà mình… đã từng trải qua.
Tác giả Camille Laurens sử dụng 3 ngôi kể chuyện nhằm mô tả, nhấn mạnh những suy nghĩ, cảm xúc và sự chuyển đổi từ một cô gái sang một người phụ nữ. Bà đã miêu tả sắc sảo những khoảnh khắc thời tuổi thơ ảnh hưởng tới sự trưởng thành sau này, phân tích một cách tinh tế và rõ ràng về trải nghiệm của phụ nữ trong một xã hội phân biệt giới tính. Điều này giúp thể hiện một cách chân thực và độc đáo trải nghiệm của người phụ nữ trong thế kỷ 20-21.
“Tuy là tác phẩm dịch đầu tay, song dịch giả trẻ J.B (Huỳnh Hữu Phước) đã thực sự chinh phục được người đọc bởi với thể loại văn tự sự khá khó dịch này. Đáng nói hơn J.B là dịch giả nam, tuổi đời còn rất trẻ nhưng tác phẩm dịch đầu tay lại về vòng đời của phụ nữ, thực sự là một thử thách lớn. Chưa kể lại là tác phẩm của nữ tác giả Camille Laurens – người được đánh giá là một trong những “kiện tướng” của văn chương đương đại Pháp với rất nhiều tác phẩm văn chương suốt 2 thập niên qua”, bà Nguyễn Lệ Chi đánh giá.
Khi phóng viên Báo Thanh Niên hỏi thời gian qua dịch giả Huỳnh Hữu Phước, chàng “shipper nói tiếng Pháp” trên đường sách được truyền thông nhắc đến khá nhiều, về hoàn cảnh éo le, nghị lực của bạn vươn lên số phận. Vậy khi chấm giải thì hội đồng giải thưởng có dựa vào yếu tố này không, hay hoàn toàn chỉ đánh giá dựa vào chất lượng tác phẩm?
Dịch giả Nguyễn Lệ Chi khẳng định: “Hội đồng chấm giải dựa trên tác phẩm. Thứ nhất, tác phẩm dịch truyền tải được tinh thần tác phẩm gốc. Thứ hai, văn phong dịch mượt, dễ đọc. Thứ ba, đây là một dịch giả trẻ lần đầu dám thử sức dịch luôn một cuốn sách dạng khó nhằn của một lão làng trong làng sáng tác. Cả 3 yếu tố này cùng sự bền bỉ của dịch giả tạo nên thành công cho tác phẩm dịch. Thông thường đối với những người mới bắt tay dịch, họ sẽ thử sức với truyện ngắn, tản văn, hoặc bài báo… chứ không dịch ngay một tác phẩm văn học có tên tuổi. Vì họ sẽ ngợp, sợ nhưng dịch giả này lại không như vậy. Điều đó thể hiện bản lĩnh và sự tự tin, tính kiên trì mà một dịch giả chuyên nghiệp cần có. Nếu J.B kiên trì đi theo con đường dịch thuật thì tôi tin rằng bạn ấy sẽ trở thành một dịch giả văn học chuyên nghiệp”.
“Nếu trình độ và năng lực của bạn còn hạn chế và tác phẩm dịch không đạt chất lượng, thì Hội đồng Văn học dịch chắc chắn cũng không trao giải. Tuy nhiên thành công này chỉ là bước đầu trên con đường học thuật. Bạn cần kiên trì và nuôi dưỡng niềm đam mê liên tục để gặt hái thêm nhiều thành công hơn”, bà Nguyễn Lệ Chi trao đổi thêm.
Bạn đọc còn nhớ câu chuyện về chàng “shipper nói tiếng Pháp” đầy nghị lực Huỳnh Hữu Phước. Vì có hoàn cảnh khó khăn, nên Phước phải tạm bảo lưu việc học tại khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để làm nhiều nghề khác nhau, trong đó có shipper.
Hồi tháng 11.2022, vì đam mê văn chương Pháp, Phước đã tạm nghỉ giao hàng trong mấy tiếng để đến đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM, đặt câu hỏi bằng tiếng Pháp với nhà văn Marc Levy. Bài viết, video được đăng trên Thanh Niên Online, nhờ sự hỗ trợ lớn lao của đông đảo bạn đọc báo và các thầy cô tại khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Phước đã được trở lại giảng đường, tiếp tục nuôi ước mơ trở thành thầy giáo.
Cuốn tiểu thuyết Con gái được Phước bắt đầu dịch từ cuối năm 2021 – khi mà dịch Covid-19 vẫn còn và chưa ai biết tới Phước. Bạn vừa cần mẫn làm shipper, vật lộn với cuộc sống, đêm về lại cần mẫn đọc sách, ôn bài, dịch sách…