Phụ nữ bắt đầu có kinh nguyệt trước 13 tuổi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn khi trưởng thành, theo nghiên cứu tại Mỹ.
Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 thường liên quan đến ăn uống không lành mạnh, tiền sử gia đình, tuổi cao, thừa cân, béo phì, ít hoạt động thể chất. Một nghiên cứu mới đây còn cho thấy tuổi có kinh nguyệt cũng liên quan đến nguy cơ mắc bệnh này.
Nghiên cứu của Trường Đại học Tulane, Mỹ, với hơn 17.000 phụ nữ 20-65 tuổi, công bố đầu tháng 12, cho thấy phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên trước 13 tuổi có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường type 2 khi đến tuổi trưởng thành.
Trong 20 năm theo dõi, từ năm 1999 đến 2018, tổng cộng có hơn 10% phụ nữ bị tiểu đường type 2 và 11,5% mắc bệnh tim mạch như tim mạch vành, đau tim và đột quỵ.
Theo các tác giả, so với phụ nữ có kinh lần đầu ở tuổi 13, phụ nữ có kinh lần đầu lúc 10 tuổi trở xuống có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 tăng 32%, lúc 11 tuổi là hơn 14%, ở độ tuổi 12 nguy cơ cao hơn 29%.
Trong nhóm người mắc tiểu đường, phụ nữ có kinh lần đầu lúc 10 tuổi hoặc trẻ hơn có nguy cơ đột quỵ cao hơn gấp đôi, tức 66%. Ở nhóm này, nguy cơ đột quỵ cao hơn 81% nếu thời điểm này bắt đầu ở tuổi 11, cao hơn 32% khi ở tuổi 12 và tăng 15% ở tuổi 14.
Các nhà nghiên cứu kết luận những bé gái bắt đầu có kinh nguyệt từ rất sớm thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và biến chứng cao hơn ở tuổi trưởng thành và tuổi trung niên. Phụ nữ bị tiểu đường cũng có mối liên quan giữa kinh nguyệt sớm và đột quỵ trước 65 tuổi, nhất là người bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt ở tuổi lên 10 hoặc trẻ hơn.
Tuổi có kinh có liên quan đến nguy cơ mắc tiểu đường và bệnh tim mạch cao hơn nhưng vẫn chưa rõ đây có phải là yếu tố nguy cơ gây biến chứng bệnh tim mạch ở phụ nữ trẻ mắc bệnh tiểu đường hay không. Có thể chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên sớm (dưới 13 tuổi) là một trong những dấu hiệu ban đầu của bệnh tim mạch chuyển hóa ở phụ nữ.
Theo các nhà nghiên cứu, phụ nữ có kinh đầu tiên trước tuổi 13 tiếp xúc với estrogen trong thời gian dài hơn và giai đoạn đầu có liên quan đến mức estrogen cao hơn có thể là yếu tố khiến khả năng mắc bệnh tiểu đường và đột quỵ tăng. Ngoài ra, thừa cân hoặc béo phì cũng có thể đóng vai trò nào đó. Vì mức độ thừa cân và béo phì ở trẻ em cao hơn có liên quan đến tuổi hành kinh sớm hơn và mắc các bệnh về tim mạch chuyển hóa sau này.
Những phụ nữ bắt đầu có kinh sớm, nhất là ở độ tuổi 10 hoặc trẻ hơn nên lưu ý những thay đổi của các yếu tố nguy cơ khởi phát bệnh sớm, trong giai đoạn đầu và giữa tuổi trưởng thành. Các yếu tố này gồm lượng đường trong máu, thành phần lipid (cholesterol và chất béo trung tính), huyết áp.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, kỳ kinh nguyệt đầu tiên thường bắt đầu ở độ tuổi từ 10 đến 16, tuổi trung bình là 11,9. Nguyên nhân khiến các bé gái có kinh lần đầu sớm hơn có thể liên quan đến tăng lượng mỡ trong cơ thể, di truyền, chế độ ăn uống, tập thể dục và sức khỏe nói chung.
Việc xác định yếu tố nguy cơ mắc tiểu đường của nghiên cứu này hỗ trợ bác sĩ tối ưu hóa các biện pháp can thiệp sớm để giảm khả năng mắc bệnh tiểu đường và giúp mọi người sống khỏe hơn.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |