Là lần gặp cuối cùng trong năm, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels cuối tuần này có nhiều chuyện để bàn nhưng bảng ngân sách bổ sung, trong đó có phần tài trợ cho Ukraine, xem ra là vấn đề gây đau đầu nhất.
Hội nghị thượng đỉnh EU cuối tuần này có nhiều chuyện để bàn nhưng bảng ngân sách bổ sung, trong đó có phần tài trợ cho Ukraine, xem ra là vấn đề gây đau đầu nhất. (Nguồn: Adobe Stock) |
Chi phí của Ukraine đang như cái thùng không đáy. Tháng 11 vừa rồi, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko cảnh báo nước này sẽ thâm hụt ngân sách 29 tỷ USD trong năm 2023 nếu như không có sự hỗ trợ của phương Tây.
Trong kế hoạch bổ sung ngân sách nhằm trợ giúp Ukraine và trang trải các chi phí không lường trước trong EU như vấn đề di cư hay trợ cấp người lao động mất việc, châu Âu dự tính phải chi tới 66 tỷ USD, trong đó phần trợ giúp Ukraine là 50 tỷ USD.
Tuy nhiên, kế hoạch này đang gặp phải rắc rối bởi được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm, khi sự ủng hộ Ukraine bắt đầu có rạn nứt. Thêm vào đó, nhiều thành viên EU đang phải đi vay để tài trợ cho các khoản chi tiêu khổng lồ sau đại dịch Covid-19 cũng như đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.
Hungary phản đối việc tài trợ cho Ukraine vì cho rằng nước này vẫn để xảy ra tình trạng tham nhũng nghiêm trọng, cũng như cần xem xét lại hiệu quả sự hỗ trợ của châu Âu với Ukraine trong thời gian qua. Không những thế, Budapest còn phản đối việc thảo luận tư cách thành viên của Ukraine tại hội nghị lần này.
Một số quốc gia Bắc Âu không mặn mà với các khoản chi phí dự phòng, điều có thể dẫn đến việc các nước thành viên EU phải đóng góp bổ sung 27 tỷ Euro. Lập luận của họ là: “Chúng ta không thể cung cấp thêm tiền mặt cho Brussels vào thời điểm nền kinh tế đang gặp khó khăn”.
Sự chia rẽ đang khiến việc đạt được thỏa thuận chung ở Brussels lần này gặp khó khăn, nhất là trong việc trợ giúp Ukraine. Tất nhiên, từng thành viên EU vẫn có thể trợ giúp Ukraine theo hình thức song phương nhưng hình ảnh đoàn kết của EU sẽ bị đặt dấu hỏi.