Sự việc cô giáo bị học sinh chốt cửa, ném dép vào mặt đến ngất xỉu tại Tuyên Quang dường như đang thiếu đi một mảnh ghép quan trọng, đó là tiếng nói sự giãi bày (không phải tường trình, kiểm điểm) của học sinh, của những tâm hồn non nớt.
Thiếu đi sự lắng nghe, thấu cảm, giáo viên và học sinh như bị đặt vào trong một “cuộc chiến nguy hiểm”, làm xói mòn môi trường ứng xử văn minh trong học đường. Những tố cáo, đổ lỗi, trả đũa và hình phạt sẽ là một vòng lặp luẩn quẩn làm ô nhiễm môi trường giáo dục.
Cảm hóa tâm hồn hoang dại
Trong hai tác phẩm nổi tiếng Cuộc Phiêu lưu của Tom Sawyer và Cuộc phiêu lưu của Huck Finn, nhà văn Mark Twain, mô tả hai cậu bé Tom và Huck với đủ các trò nghịch ngợm, quậy phá mà bất kỳ nhà giáo dục nào cũng phải đau đầu, bó tay. Nếu như hai cậu bé này được xếp loại hạnh kiểm thì chắc phải là loại yếu, không thể hơn.
Thế nhưng, dưới vỏ bọc ngổ ngáo ấy là những tâm hồn nhạy cảm, đầy tình yêu, hướng thiện. Người nhận ra điều ấy là dì Polly của Tom. Bằng sự kiên nhẫn, bao dung và vị tha đáng kinh ngạc, dì Polly đã cảm hóa tuổi trẻ hoang dại của hai cậu bé.
Nếu thời gian quay trở lại, tôi sẽ lắng nghe học sinh
Trong nhiều năm đi dạy, tôi gặp nhiều học trò ngỗ ngược, thậm chí hỗn xược (theo đánh giá lúc bấy giờ của bản thân). Tôi cũng đã áp dụng đủ các biện pháp trừng phạt, kỷ luật, hạ hạnh kiểm các em… theo quy định.
Tuy nhiên, bây giờ nghĩ lại, tôi luôn tiếc nuối về những quyết định ấy, băn khoăn về những gì các em sẽ phải đối mặt sau khi bị kỷ luật. Nếu được làm lại, chắc chắn, lựa chọn của tôi là lắng nghe và tha thứ cho những người trẻ tuổi ấy.
Những tình huống như thế rất cần sự tôn trọng và hợp tác từ các bên. Cha mẹ, thầy cô nên khéo léo thể hiện sự bao dung, độ lượng, chủ động rút lui khỏi cuộc xung đột và khích lệ sự hợp tác tích cực từ học sinh.
Hãy để các em tự giãi bày, nhận ra lỗi lầm, trách nhiệm của bản thân, sau đó mới là sự uốn nắn, điều chỉnh của các nhà giáo dục.
Như vậy, sẽ không có cuộc chiến quyền lực nào bùng nổ, lớp học sẽ không phải trở thành một chiến trường tan hoang tình thầy trò, với những đổ nát trong tâm hồn của các bên.
Hãy để tình yêu thương làm lành những vết thương ấy và xây dựng môi trường ứng xử văn minh trong học đường.
Bởi lẽ, như cố Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, bà Vijaya Lakshmi Pandit (1900-1990) từng nói: “Mục tiêu của giáo dục không phải dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến Chân và thực hiện Thiện”.