Ngày 14.12, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức sơ kết công tác khảo thí và tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024.
Rút ngắn thời gian tuyển sinh lớp 10
Tại buổi sơ kết công tác khảo thí, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng cho hay, trên cơ sở rút kinh nghiệm về công tác tuyển sinh lớp 10 năm 2023-2024, Sở đề ra một số giải pháp và mục tiêu đảm bảo quyền lợi tối đa học tại các trường công lập cho học sinh đồng thời từng bước giảm dần tỷ lệ học sinh trúng tuyển nhưng không nộp hồ sơ tại các trường công lập.
Theo đó, Sở GD-ĐT sẽ thống kê và phân tích chi tiết toàn bộ dữ liệu tuyển sinh vào lớp 10 của 3 năm gần nhất của toàn thành phố theo quận, huyện, các trường THCS, kết hợp với dữ liệu địa chỉ nhà, khoảng cách từ nhà đến trường của học sinh qua 2 năm thí điểm áp dụng bản đồ GIS đưa ra các đánh giá về công tác đăng ký nguyện vọng và kết quả tuyển sinh của từng trường THCS. Trên cơ sở đánh giá, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với các phòng GD-ĐT rà soát lại toàn bộ quy trình tư vấn, hướng dẫn của một số trường THCS có tỷ lệ cao thí sinh trúng tuyển nhưng không nộp hồ sơ.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT dự kiến sẽ thay đổi, bổ sung tiêu chí đánh giá thi đua về việc đánh giá kết quả tuyển sinh vào lớp 10. Theo đó, kết quả phải dựa trên số lượng học sinh nộp hồ sơ vào trường trúng tuyển nhằm mục tiêu tránh tình trạng một số đơn vị chạy theo thành tích và hướng dẫn học sinh đăng ký vào các trường ở xa nhà.
Trên cơ sở rút kinh nghiệm kết quả của kỳ tuyển sinh 10 trong năm học 2023-2024, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay Sở đang xây dựng các phương án thay đổi toàn bộ quy trình xét các nguyện vọng chuyên và thường ở trường THPT công lập. Các phương án này được xây dựng trên cơ sở phấn đấu đảm bảo đạt được các mục tiêu như: rút ngắn thời gian công bố kết quả; hỗ trợ học sinh tăng khả năng trúng tuyển vào các trường công lập theo nguyện vọng đăng ký. Từng bước giảm dần số lượng học sinh trúng tuyển nhưng không nộp hồ sơ nhập học qua từng năm.
Thông tin mới về nhất về tuyển sinh lớp 6 tại TP.Thủ Đức
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyễn, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức (TP.HCM), thông tin mới về kế hoạch tuyển sinh lớp 6 năm học 2024-2025.
Theo đó, Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức sẽ xây dựng kế hoạch và đề xuất mở rộng trường THCS thực hiện tuyển sinh lớp 6 bằng bài khảo sát năng lực tương tự như hình thức tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Ông Nguyên cho hay, năm học 2023-2024, TP.Thủ Đức đã thực hiện việc tuyển sinh lớp 6 Trường THCS Trần Quốc Toản 1 theo quy trình và đề bài khảo sát lớp 6 của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Tuy nhiên, đến năm học 2024-2025, ngoài việc mở rộng trường THCS tuyển sinh theo hình thức này là Trường THCS Hoa Lư và Bình Thọ thì phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức sẽ chủ động trong việc biên soạn nội dung bài khảo sát.
Người đứng đầu phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức cho biết cấu trúc bài khảo sát sẽ tương tự như bài khảo sát vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Phòng GD-ĐT sẽ đề xuất thời gian khảo sát của 3 trường tại TP.Thủ Đức không trùng với Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa để đáp ứng tối đa nhu cầu, nguyện vọng và cơ hội tham gia tuyển sinh vào trường mà học sinh mong muốn.
Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên TP.HCM thực hiện việc tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến 100% từ trường mầm non cho đến THPT và thí điểm áp dụng bản đồ GIS trong phân tuyến (có thể không phân bổ học sinh theo địa giới hành chính mà theo điều kiện cư trú thực tế để đảm bảo tiêu chí học trường gần nơi cư trú nhất có thể ) tại TP.Thủ Đức, Q.8, Tân Bình.
Ông Nguyễn Võ Đăng Khoa, Phó phòng khảo thí Sở GD-ĐT TP.HCM, đưa ra đánh giá việc thực hiện phương thức tuyển sinh trực tuyến đã đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ và đặc biệt tránh tối đa việc di chuyển nhiều lần giữa các cơ quan hành chính cho người dân trong suốt thời gian đăng ký tuyển sinh. Trung bình một người dân từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc tuyển sinh sẽ chỉ di chuyển một lần đến trường khi nộp hồ sơ nhập học cho con em.
Việc áp dụng công nghệ bản đồ GIS kết hợp với việc khai thác dữ liệu thông tin nơi ở của học sinh đã hỗ trợ phân bổ học sinh vào các trường trên địa bàn thuận lợi trong việc di chuyển, nhận được sự đồng thuận của đa số phụ huynh học sinh. Công tác báo cáo số liệu được cập nhật chính xác và liên tục theo thời gian thực đã hỗ trợ cho các cấp quản lý theo dõi và xử lý nhanh các vấn đề, sự cố xảy ra trong suốt thời gian tuyển sinh. Từ đó tạo được mối liên hệ chặt chẽ giữa người dân với ngành giáo dục, tránh tối đa các vấn đề tiêu cực có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, ông Khoa cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác tuyên truyền hướng dẫn ở các cơ sở giáo dục chưa đạt được kết quả như mong đợi. Vẫn còn một số ít người dân chưa nắm được những thay đổi, các quy định và khung thời gian đăng ký trong công tác tuyển sinh.
Sự phối hợp của một số phòng GD-ĐT với Sở GD-ĐT trong việc xây dựng các báo cáo, thống kê, đặc biệt là việc hướng dẫn, trả lời, xử lý các sự cố vẫn còn chậm trễ và thiếu thống nhất, tạo ra sự lo lắng, hoang mang cho một số phụ huynh học sinh.
Theo ông Khoa, công tác cập nhật điều chỉnh dữ liệu còn nhiều sai sót, một số phòng GD-ĐT tập huấn không đầy đủ dẫn đến tình trạng một số cơ sở giáo dục hướng dẫn phụ huynh học sinh di chuyển nhiều lần, không giải quyết triệt để gây bức xúc cho một bộ phận dư luận…
Cũng từ những đánh giá hạn chế và rút kinh nghiệm sau năm đầu tiên thực hiện đổi mới tuyển sinh đầu cấp ứng dụng mạnh mẽ công tác chuyển đổi số, lãnh đạo Sở GD-ĐT nhấn mạnh sẽ có những điều chỉnh để ngày càng phù hợp, thuận tiện hơn.