Phát triển nhà ở xã hội còn chậm
Vừa qua tại kỳ họp thứ 13 (kỳ họp cuối năm) HĐND Tp.HCM khóa X, một nội dung quan trọng được quan tâm là thực hiện giám sát chuyên đề đối với việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Tp.HCM giai đoạn 2016-2025.
Báo cáo trước HĐND Tp.HCM việc triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Tp.HCM, Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM Trần Hoàng Quân cho biết, mục tiêu của giai đoạn 2021-2025, Tp.HCM phát triển khoảng 35.000 căn nhà, tương ứng khoảng 2,5 triệu m2.
Trong giai đoạn này, Tp.HCM có 91 dự án nhà ở xã hội với diện tích hơn 210 ha, với quy mô dự kiến khoảng 98.685 căn hộ. Trong đó có 49/91 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư/chấp thuận đầu tư với quy mô 56.200 căn hộ. Tuy nhiên, trong 49 dự án ở giai đoạn này thì có đến 46 dự án được chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020.
Về bố trí vốn từ ngân sách đối với dự án nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, hiện nay Tp.HCM có 3 dự án nhà ở xã hội dự kiến được bố trí vốn từ ngân sách Tp.HCM. Đó là dự án nhà ở xã hội phục vụ tái định cư cho dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm; dự án xây dựng ký túc xá Lào; dự án xây dựng mới khu lưu trú công nhân tại phường Linh Trung, Tp.Thủ Đức.
Về việc triển khai, thực hiện các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội tăng thêm trên địa bàn Tp.HCM, giai đoạn 2021-2025, kết quả đến quý 2-2023, Tp.HCM đã hoàn thành đưa vào sử dụng 2 dự án với quy mô 623 căn hộ. Có 7 dự án nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân đang thi công với quy mô gần 5.000 căn hộ. Ngoài ra, Tp.HCM có 82 dự án đang được thống kê để theo dõi trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.
Việc phát triển nhà ở hiện nay tại Tp.HCM đang gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được.
“Đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10 ha, tuy đã xác định quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội nhưng chủ đầu tư dự án chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nên chưa triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội”, Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM nêu khó khăn.
Ngoài ra, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho rằng, nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện dự án nhà ở xã hội, vay vốn xây dựng, các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã vay vốn mua nhà là chưa ổn định.
Địa phương đã có chính sách cho vay đối với các đối tượng thu nhập thấp thông qua Quỹ Phát triển nhà ở Tp.HCM với mức vay tối đa 900 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 4,7%/năm. Tuy nhiên, mức vay này còn thấp so với giá trị căn nhà và đối tượng vay còn hạn chế.
Thêm nữa là thủ tục, các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp dẫn đến không thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư các dự án.
Mục tiêu còn nhiều thách thức
Về kết quả giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng ban Đô thị, HĐND Tp.HCM chỉ ra, qua rà soát danh mục dự án nhà ở xã hội tại Phụ lục 2 kèm báo cáo của UBND Tp.HCM, trong 91 dự án có 3/91 dự án hoàn thành, chiếm tỷ lệ 3,3%; 13/91 dự án đang triển khai, chiếm tỷ lệ 14,29%; 75/91 dự án chưa triển khai, chiếm tỷ lệ 82,41%.
Theo đó, đối với 3 dự án hoàn thành, trong đó chỉ có dự án nhà ở xã hội Bình Trưng Đông của Tập đoàn Hoàng Quân hoàn thành toàn bộ năm 2022 là và 2 dự án khác là khu dân cư phường Tân phú và khu nhà ở Nguyên Sơn – giai đoạn 2 chỉ mới hoàn thành một phần chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 – 2020.
Như vậy, Đoàn giám sát cho rằng chỉ có thể tính 1 dự án hoàn thành toàn bộ vào chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội tăng thêm của giai đoạn 2021 – 2025. Còn dự án hoàn thành một phần chuyển tiếp qua giai đoạn này sẽ không được tính bởi chưa phát sinh tăng thêm diện tích sàn xây dựng nhà ở xã hội.
“Việc UBND Thành phố tính diện tích sàn nhà ở xã hội của dự án hoàn thành một phần chuyển tiếp vào giai đoạn 2021 – 2025 là chưa phù hợp. Điều này cho thấy việc rà soát, thống kê dữ liệu trong giai đoạn 2021 – 2025 của UBND Thành phố là chưa chính xác”, đại diện Ban Đô thị, HĐND Tp.HCM đánh giá.
Cũng theo Đoàn giám sát, xét ở việc thực hiện chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, giai đoạn 2021 – 2025 có 1 dự án hoàn thành được đưa vào sử dụng với diện tích sàn xây dựng 59.893 m2, đạt 1,31% so với chỉ tiêu đề ra.
Như vậy, dự kiến trong thời gian còn lại, Thành phố này cần phát triển thêm 2.467.332 m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội. Khả năng hoàn thành chỉ tiêu phát triển thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dụng, tương đương khoảng 35.000 căn hộ trong giai đoạn 2021 – 2025 là rất thấp, khó khả thi.
Trao đổi lại, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM trình bày giải pháp thời gian tới, UBND Tp.HCM cho rằng cần ban hành quy trình giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, có chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp nhà đầu tư tham gia.
Đồng thời khẩn trương hoàn thành việc lập và phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Tp.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trong đó có quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.
“Tp.HCM kiến nghị Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng để các địa phương triển khai thực hiện theo hướng cắt giảm hoặc liên thông các thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng”, ông Cường nói.
Tp.HCM cũng sẽ công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp. Chính quyền địa phương nỗ lực phân bổ nguồn vốn ngân sách thu được từ tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư khi thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại.
Quan trọng, Tp.HCM sẽ vận dụng các cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 98 của Quốc hội để phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Tp.HCM trong thời gian tới, trong đó phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ.
Vì thế, Tp.HCM phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 12.000 căn nhà với tổng vốn đầu tư khoảng 11.500 tỷ đồng để chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.