Ngày 13/12, tại kỳ họp thứ 15, HĐND TP. Đà Nẵng, khóa X nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu Nguyễn Thanh Phúc cho biết, kinh tế – xã hội của Đà Nẵng năm 2023 đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn còn nhiều điểm nghẽn, vướng mắc của doanh nghiệp. Những vấn về đất đai chậm xử lý kéo dài nhiều năm. Việc triển khai các dự án mới, đặc biệt là những dự án có tác động, đóng góp to lớn cho sự tăng trưởng của thành phố chưa thể triển khai được do những quy định hiện hành như đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy (PCCC), giấy phép xây dựng,…. Mặt khác, thị trường bất động sản dù được tích cực tháo gỡ nhưng chuyển biến còn rất chậm.
Theo ông Phúc, Đà Nẵng được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Kết quả thu hút đầu tư năm 2023 tăng so với năm 2022, nhưng còn khiêm tốn so với vị thế, tiềm năng và quyết tâm của thành phố.
Ngoài ra, công tác xúc tiến đầu tư chưa gặp nhau giữa các nhà đầu tư và thành phố.
Để tăng thu hút đầu tư trong năm 2024, ông Phúc cho rằng làm sao để các nhà đầu yên tâm, tự tin, đầu tư vào Đà Nẵng với những cơ chế, điều kiện thông thoáng. Thành phố cần chú trọng hơn nữa triển khai hiệu của các nghị quyết, quy hoạch mới vừa công bố, tháo gỡ “nút thắt” về cải cách hành chính để khởi thông các dòng vốn…
Ông Phúc cho biết, cải cách hành chính là vấn đề mang tính hệ thống, mục tiêu để cải thiện môi trường kinh doanh. Qua điều tra, những quy định không rõ ràng, gánh nặng hành chính, cơ chế ưu đãi không rõ ràng, sự giải thích khác nhau… là vấn đề quan tâm của nhà đầu tư.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, cho hay các giải pháp đại biểu nêu cũng là nội dung thành phố đang tập trung nghiên cứu triển khai trong thời gian tới.
Theo bà Tâm, trong giai đoạn 2020-2021, thành phố bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Năm 2022, kinh tế thành phố phục hồi, lấy lại thế cân bằng. Tuy nhiên, năm 2023, thành phố lại bị ảnh hưởng bởi hậu dịch Covid-19 và tình hình kinh tế thế giới khó khăn.
Bà Tâm cho hay, năm 2023, thành phố có những giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh kế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư, tuy nhiên chưa có kết quả. Từ năm 2024, những giải pháp đó mới phát huy được hiệu quả.
Bà Tâm thừa nhận, tiềm năng kinh tế bắt đầu chững lại, thành phố cần có động lực mới. Đà Nẵng xác định và tập trung xây dựng mũi nhọn mới và chính sách đột phá, cơ chế để tạo động lực mới trong thời gian tới.