Một cuộc tranh luận sôi nổi đang nổ ra về nợ công của Đức, nền kinh tế đầu tàu châu Âu.
Nợ công của Đức đã tăng kể từ năm 1950 và đến quý III/2023, con số này ở mức 2,5 nghìn tỷ Euro, khoảng 2,68 nghìn tỷ USD. (Nguồn: DPA) |
Nỗi lo sợ về khoản nợ tiêu dùng được quan tâm khá nhiều ở Đức, với việc các phương tiện truyền thông địa phương gần đây đưa tin về khoản nợ công của nước này.
Theo Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis), nợ công của Đức tiếp tục tăng trong quý đầu tiên của năm 2023, chạm mức kỷ lục 2.406,6 tỷ Euro (tương đương 2.628,4 tỷ USD). So với cuối năm 2022, con số này trong quý I/2023 đã tăng thêm 38,8 tỷ Euro, chủ yếu do nhu cầu tài chính gia tăng của chính phủ liên bang nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.
Tuy nhiên, tạp chí The Economist của Anh lại nhận định, trong khi nước Đức ngày nay phải đối mặt với nhiều vấn đề, thì nợ nần không nằm trong số đó.
Các cuộc thảo luận về mức độ nợ của Đức diễn ra sau khi Tòa án Hiến pháp liên bang ra phán quyết rằng kế hoạch của chính phủ nhằm tái sử dụng khoản cứu trợ Covid-19 trị giá 60 tỷ Euro (65 tỷ USE) là vi hiến.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết, Berlin phải đối mặt với khoản thiếu hụt 17 tỷ Euro (18,66 tỷ USD) trong ngân sách năm sau sau phán quyết. Không có đủ tiền mặt cần thiết để thực hiện các khoản đầu tư quan trọng, chính phủ hiện phải thực hiện những điều chỉnh mạnh mẽ đối với ngân sách năm 2024.
Câu hỏi đặt ra là, chính phủ Đức có khả năng sụp đổ không? Liệu nước này nên tiếp tục vay nợ và phớt lờ việc phanh nợ được quy định trong hiến pháp hay kiểm soát chi tiêu nhà nước?
Khi nào nợ trở nên nguy hiểm?
Nỗi lo sợ cơ bản là nợ quốc gia của Đức có thể trở thành vấn đề. Nhưng khi nào điều đó xảy ra? Câu trả lời đơn giản là bất cứ khi nào khoản nợ đó trở nên đắt đỏ đối với các quốc gia.
Nợ quốc gia có thể trở nên đặc biệt tốn kém khi những nhân vật như Christian Esters, người đứng đầu bộ phận xếp hạng tại cơ quan xếp hạng S&P của Mỹ, hạ mức tín nhiệm của Đức. S&P được coi là cơ quan xếp hạng lớn nhất và có ảnh hưởng nhất thế giới – đứng trên cả Moody’s và Fitch, hai công ty khác cũng của Mỹ.
Kết quả xếp hạng tín nhiệm từ Esters và nhóm của ông có thể gây ra những tác động sâu rộng. Đánh giá của họ xác định liệu các quốc gia có bị coi là phá sản hay không và họ sẽ phải trả bao nhiêu để có được các khoản vay mới. Xếp hạng tín dụng của họ càng thấp thì chi phí vay các khoản vay mới càng lớn.
Các cuộc thảo luận thường tập trung vào tổng nợ công. Ở Đức, nhiều người quen thuộc với Schuldenuhr, hay còn gọi là đồng hồ nợ công, hiển thị mức nợ công của nước này cho người dân biết.
Nợ của nền kinh tế hàng đầu châu Âu đã tăng kể từ năm 1950 và đến quý III/2023 ở mức 2,5 nghìn tỷ Euro (2,68 nghìn tỷ USD). Điều này đưa Đức lên vị trí thứ ba trong số các quốc gia có nợ công cao nhất tại khu vực đồng sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sau Pháp và Italy.
Tuy nhiên, ông Esters cho rằng, tổng nợ công không phải là thước đo quan trọng. Ông nói với DW: “Nợ chính phủ tuyệt đối không được đặt trong mối tương quan với quy mô nền kinh tế của một quốc gia”.
Đôi khi, nợ quốc gia tính trên trung bình đầu người được thảo luận thay thế. Ở Đức, nợ quốc gia bình quân đầu người hiện ở mức 31.000 Euro (33.320 USD).
Mặc dù vậy, số liệu này cũng không giúp đánh giá mức độ tin cậy tổng thể của một quốc gia. Đánh giá theo số liệu này, các quốc gia ở phía Bắc bán cầu thường có vẻ mắc nợ nhiều hơn đáng kể so với các quốc gia đông dân ở phía Nam bán cầu. Tuy nhiên, Esters nói, việc so sánh các quốc gia giàu và nghèo cũng là sai lầm.
Ông cho rằng, nợ công chỉ là một yếu tố được xem xét khi tiến hành xếp hạng tín dụng, “ngoài ra, còn có một số yếu tố khác, chẳng hạn như ngân sách nhà nước chi bao nhiêu để trả lãi”.
Lãi suất càng cao thì số nợ càng nhiều. Tuy nhiên, lãi suất cũng phụ thuộc vào tỷ lệ lạm phát theo nghĩa các ngân hàng trung ương cố gắng chống lại lạm phát bằng cách tăng lãi suất.
Chuyên gia này nói: “Lạm phát là một trong những yếu tố quyết định tính hiệu quả và độ tin cậy của chính sách tiền tệ”.
Về lạm phát, Đức xếp ở mức giữa so với các nước khác trên toàn thế giới. Mặc dù tổng lạm phát toàn cầu tăng nhẹ trong những năm gần đây nhưng vẫn ở mức vừa phải so với những năm 1980 và 1990. Điều đó thể hiện rằng, lạm phát cần được xem xét nghiêm túc.
Chuyên gia xếp hạng tín nhiệm của Mỹ nói: “Lạm phát cao có thể dẫn đến giảm sức mua và giảm khả năng cạnh tranh quốc tế của một quốc gia”. Như vậy, lạm phát là “chìa khóa” để xác định mức độ tin cậy của một quốc gia.
Theo Esters, các yếu tố chính trị cũng ảnh hưởng đến số tiền mà các bang phải trả để nhận các khoản vay mới. Ông nói: “Điều quan trọng cần nhấn mạnh là chúng tôi không chỉ tính đến các yếu tố tài chính.
Yếu tố quyết định là rủi ro chính trị
Đặc biệt, vài năm gần đây đã cho thấy rằng, khả năng dự đoán về thể chế và sự ổn định đóng một vai trò quan trọng. Các quốc gia có thể rơi vào khủng hoảng nợ khi thể chế chính trị của họ yếu kém”.
Điều này có thể gây ra một vòng luẩn quẩn. Suy cho cùng, nợ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc làm suy yếu các thể chế chính trị. Theo S&P, nợ chính phủ toàn cầu tăng trung bình 8% GDP kể từ đại dịch Covid-19 (đầu năm 2020), điều này đã làm tăng áp lực lên ngân sách quốc gia, đặc biệt là khi lãi suất đang cao.
Chuyên gia này cho biết: “Một tỷ lệ lớn hơn trong doanh thu của chính phủ phải được chi cho lãi suất và điều này làm giảm tính linh hoạt tài chính, chẳng hạn như để phản ứng với những cú sốc hoặc khủng hoảng trong tương lai”.
Nợ chính phủ phải tương đương với mức tiết kiệm hộ gia đình. Ví dụ ở Đức, nhiều người vẫn tiết kiệm rất nhiều.
S&P đã ghi nhận mức xếp hạng tín dụng của Đức được cải thiện trong năm 2023, bất chấp khoản nợ khổng lồ phát sinh trong những năm gần đây đối với các gói cứu trợ do Covid-19, tái cơ cấu kinh tế và hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, nhìn về những năm tới, mọi thứ có vẻ không mấy hứa hẹn.
Ông Esters cho biết: “Chúng tôi dự kiến sẽ có nhiều thay đổi tiêu cực hơn là tích cực trong xếp hạng tín dụng trong một đến hai năm tới”, đồng thời, yếu tố quyết định là rủi ro chính trị, không phải nợ đọng.
Chuyên gia xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới cũng lạc quan về tương lai của Đức bất chấp khả năng xảy ra các khoản nợ mới. Ông cho biết, ngay cả trong năm 2010, khi nợ công của quốc gia Tây Âu ở mức 80% GDP, vẫn không có nghi ngờ gì về mức độ tín nhiệm của nước này và xếp hạng của Đức vẫn ở mức cao nhất – AAA.