ANTD.VN – Chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam hiện cũng còn những điểm nghẽn như: nông dân nhận thức chưa đúng và đầy đủ về bản chất liên kết nên xảy ra chuyện “bẻ kèo”.
Sáng nay 13/12, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam – trách nhiệm và bền vững”.
Tại buổi hội thảo, PGS.TS Nguyễn Phú Son – Trường đại học Cần Thơ nhận định, bối cảnh thế giới thời gian qua và năng suất lúa gạo Việt Nam trong 11 tháng của năm 2023 là điều kiện thuận lợi cho việc Việt Nam tăng cường xuất khẩu gạo và dự báo nhiều khả năng sẽ đạt được 7,5 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2023 mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Dù vậy, chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam hiện cũng còn những điểm nghẽn như: nông dân nhận thức chưa đúng và đầy đủ về bản chất liên kết nên xảy ra chuyện “bẻ kèo”, quy mô sản xuất nhỏ và ngành hàng lúa gạo chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn.
Đặc biệt, vùng nguyên liệu lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu và xuất khẩu lúa gạo Việt Nam chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan…
Gạo Việt Nam ngày càng có thương hiệu và nhận diện trên bản đồ gạo thế giới |
Theo PGS.TS Nguyễn Phú Son, để khắc phục những bất cập trên cần đầu tư phát triển vùng nguyên liệu lúa tập trung, chuyên canh lúa chất lượng cao theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh.
Nghiên cứu và phát triển các mô hình liên kết bền vững giữa nông dân với các đơn vị liên quan trong chuỗi giá trị lúa gạo; cắt giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo.
“Chúng tôi cho rằng cần xây dựng dự án nghiên cứu phát triển giống lúa và phát triển thương hiệu gạo chung của Việt Nam. Đây là giải pháp mang tính chiến lược đối phó và thích ứng với cạnh tranh quốc tế, biến đổi khí hậu, nhận thức nhu cầu tiêu dùng theo hướng an toàn, xanh và sạch”, PSG.TS Nguyễn Phú Son nói.
Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Văn Hùng – Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI – thông tin ngành hàng lúa gạo Việt Nam đứng trước nhiều thách thức lớn như: biến đổi khí hậu, thiếu nguồn lao động sản xuất lúa. Do đó, áp dụng công nghệ sẽ góp phần nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng chất lượng, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh.
Ông Hoàng Trung – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ Việt Nam những năm qua nghiên cứu phát triển nhiều giống lúa chất lượng và nông dân sử dụng các giống lúa xác nhận nhiều.
Do đó, sản lượng và chất lượng gạo Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước. Cộng đồng quốc tế cũng công nhận gạo của Việt Nam ngon nhất thế giới, đáp ứng được các điều kiện an toàn thực phẩm.
Hiện nay, thị trường số một của Việt Nam tiếp tục là Philippines chiếm khoảng 35% thị phần gạo Việt Nam xuất khẩu. Trong 11 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sang quốc gia này đạt 2,63 triệu tấn, tương ứng 1,41 tỷ USD. Xếp sau là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng- Chế biến và phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT sản phẩm gạo xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là gạo trắng, chiếm tới hơn 60% trong cơ cấu, và đạt hơn 2,3 tỷ USD giá trị.
Ông Hòa nhận định, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam diễn biến tương đối phức tạp từ năm 2021. Giá thời điểm cao nhất được ghi nhận vào tháng 10/2023, đạt 640 USD/tấn. Cá biệt, một số doanh nghiệp có thể đạt thỏa thuận sát ngưỡng 800 USD/tấn.
Gạo Việt Nam ngày càng có nhận diện về thương hiệu trên bản đồ thế giới. Dù vậy, ông Hòa khuyến cáo các doanh nghiệp đi vào vấn đề chất lượng, thay vì quá quan tâm đến năng suất, sản lượng như thời gian trước đây.
“Yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu ngày càng cao, các nước đang ngày càng nâng cao các biện pháp, rào cản kỹ thuật để hạn chế, kiểm soát hàng nhập khẩu từ nước ngoài”, ông Hòa chia sẻ.