Hàn QuốcBộ Giáo dục tuyên bố đã loại các “câu hỏi sát thủ” với độ khó cao, nằm ngoài chương trình, nhưng nhiều người không đồng tình và thực tế là điểm thi giảm so với năm ngoái.
Viện Chương trình giảng dạy và Đánh giá Hàn Quốc, đơn vị tổ chức kỳ thi đại học (Suneung), tuần trước công bố báo cáo phân tích điểm thi của hơn 440.000 thí sinh.
Kỳ thi Suneung năm nay diễn ra ngày 16/11, kéo dài 8 tiếng đồng hồ, kiểm tra kiến thức tiếng Hàn, Toán, tiếng Anh, lịch sử Hàn Quốc, ngoại ngữ thứ 2 hoặc chữ Hán. Kết quả, chỉ một thí sinh đạt điểm tuyệt đối ở tất cả bài thi, so với ba người của năm ngoái.
Trừ môn tiếng Anh và Lịch sử, cách tính điểm thi ở Hàn Quốc tương đối phức tạp, gồm nhiều thành phần như điểm bài thi của thí sinh, điểm trung bình môn thi, điểm tiêu chuẩn… Trong đó, điểm chuẩn cho biết điểm của một cá nhân khác biệt bao nhiêu so với điểm trung bình của những người làm bài kiểm tra. Nhìn chung, nếu điểm chuẩn cao nhất từ 140 điểm trở lên thì bài thi được coi là khó. Nếu điểm này gần 150 thì bài thi được coi là thách đố.
Ở môn tiếng Hàn, điểm chuẩn cao nhất của kỳ thi năm nay là 150, tăng 16 điểm so với năm ngoái và bằng năm 2019 – kỳ thi giữ kỷ lục về điểm chuẩn từ trước đến nay. Số học sinh đạt điểm tuyệt đối trong phần này cũng giảm đáng kể, chỉ còn 64, trong khi năm ngoái là 371.
Phần Toán cũng khó hơn, với điểm chuẩn cao nhất là 148 điểm, tăng ba điểm so với kỳ thi năm ngoái.
Còn ở môn tiếng Anh, chỉ 4,7% thí sinh được xếp vào nhóm dẫn đầu (90/100 điểm). So với năm ngoái, nhóm này giảm 14.000 người và là mức thấp nhất kể từ khi môn này thay đổi cách tính điểm vào năm 2018.
Kết quả này trái ngược với kỳ vọng của thí sinh về một kỳ thi dễ thở bởi các “câu hỏi sát thủ” được loại bỏ, theo tuyên bố của Bộ Giáo dục Hàn Quốc hồi tháng 6. Những năm trước, đây là những câu hỏi có tỷ lệ trả lời đúng thấp (5-10%), thường ở môn Toán và tiếng Hàn. Để tăng khả năng giải được các câu hỏi này, học sinh phải đến các lò luyện thi tư nhân, sau giờ học chính khóa.
Điểm số thấp khiến tranh cãi về độ khó của đề thi đại học tiếp diễn. Bộ Giáo dục Hàn Quốc khẳng định đã loại trừ thành công tất cả “câu hỏi sát thủ”, đồng thời phân biệt được trình độ học sinh ở nhóm đầu.
Tuy nhiên, theo The Korea Herald, 75% giáo viên khẳng định các “câu hỏi sát thủ” chưa thực sự được loại bỏ, 86% thí sinh cho rằng bài thi đại học vẫn có độ khó cao. Bài thi thực tế sử dụng các câu hỏi có độ khó tương tự, với những đáp án gần giống nhau khiến thí sinh khó phân biệt.
Theo các chuyên gia và thí sinh, mỗi môn thi có khoảng 5 câu hỏi vận dụng cao có độ khó tương đương “câu hỏi sát thủ” những năm trước. Ví dụ, câu 22 trong đề thi môn Toán yêu cầu thí sinh tìm đồ thị thỏa mãn điều kiện đã cho, bằng cách xét dấu của hệ số vi phân, sau đó tính giá trị hàm số. Nhiều thí sinh bó tay, trong khi một giáo viên dạy Toán ở trung tâm luyện thi mất hơn 20 phút để giải bài này.
Viện Chương trình giảng dạy và Đánh giá Hàn Quốc lý giải Bộ Giáo dục không nhận diện “câu hỏi sát thủ” theo độ khó.
“Những câu hỏi yêu cầu kỹ năng giải quyết vấn đề cao, ngoài các tài liệu giảng dạy mới là những câu hỏi sát thủ”, Oh Seung-keol, chủ tịch Viện này, nói, nhấn mạnh tất cả câu hỏi của kỳ thi năm nay đều nằm trong chương trình giáo dục công lập.
Tuy nhiên, với học sinh và phụ huynh, cái gọi là “câu hỏi sát thủ” là những câu hỏi cực kỳ khó và phức tạp”, theo Lee Man-ki, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu đánh giá giáo dục Uway.
Ông nhìn nhận sự khác biệt này vẫn sẽ khiến học sinh đổ xô tới các trung tâm luyện thi tư nhân, trái với mục tiêu giảm áp lực thi cử mà Bộ Giáo dục hướng tới.
“Bởi bài thi đại học vẫn dựa trên đánh giá tương đối, để tăng khả năng cạnh tranh, các thí sinh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc học thêm. Đó là thực tế ở Hàn Quốc”, ông Man-ki nhìn nhận.
Huy Quân (Theo The Korea Herald, Donga)