Thỏa thuận mới được trình bày tại COP28 hôm 13/12 không sử dụng cách nói “loại bỏ dần” nhiên liệu hóa thạch, điều mà hơn 100 quốc gia đã kêu gọi. Thay vào đó, thỏa thuận kêu gọi “chuyển đổi khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và bình đẳng”.
Quá trình sẽ chuyển đổi theo hướng đưa thế giới đạt mức phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050, trong khi thế giới được dự đoán sẽ đạt đỉnh về ô nhiễm carbon vào năm 2025.
Các phiên họp chuyên sâu tại hội nghị COP28 đã diễn ra tốt đẹp trong vài giờ sáng 13/12 sau khi dự thảo ban đầu của Chủ tịch hội nghị nhận về nhiều chỉ trích vì tránh né những lời kêu gọi hành động quyết liệt nhằm hạn chế hiện tượng nóng lên. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã trình bày với các đại biểu từ gần 200 quốc gia một tài liệu trọng tâm mới, được gọi là kiểm kê toàn cầu.
Mục đích của việc kiểm kê toàn cầu là giúp các quốc gia điều chỉnh kế hoạch khí hậu của riêng mình sao cho phù hợp với Thỏa thuận Paris năm 2015 kêu gọi hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C.
Phiên bản trước đó của dự thảo đã vấp phải chỉ trích của nhiều quốc gia do đã thay đổi lời kêu gọi hành động quyết liệt để giải quyết biến đổi khí hậu. Cụ thể, dự thảo cho biết các bên “có thể” thực hiện một số hành động nhất định để giảm lượng khí thải, thay vì nói rằng họ “sẽ” hoặc “phải” thực hiện.
Bà Rachel Cleetus, Giám đốc phụ trách chính sách năng lượng và khí hậu của Liên minh các nhà khoa học Mỹ cho biết thỏa thuận mới là một sự cải tiến rõ ràng so với bản đã nhận nhiều chỉ trích trước đó.
Bên cạnh cách các quốc gia thích ứng với khí hậu nóng lên, thỏa thuận mới còn đề cập đến sự khó khăn về tài chính để giúp các quốc gia nghèo hơn thích ứng với biến đổi khí hậu mà vẫn thải ra ít carbon hơn. Nhiều vấn đề tài chính dự kiến sẽ được giải quyết trong 2 năm tới tại các hội nghị về khí hậu sắp tới ở Azerbaijan và Brazil. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc ước tính các quốc gia đang phát triển cần khoảng 194 – 366 tỷ USD mỗi năm để thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Nhìn chung, tôi nghĩ dự thảo mới này có tính quyết liệt hơn những bản trước đó. Tuy nhiên nó vẫn không thể huy động được nguồn tài chính cần thiết để đáp ứng các mục tiêu”, cố vấn cấp cao về thích ứng của Quỹ Liên hợp quốc Cristina Rumbaitis del Rio cho biết.
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 28 dự kiến kết thúc vào ngày 12/12 sau gần hai tuần làm việc và phát biểu. Tuy nhiên các nhà đàm phán đã phải kéo dài thời gian họp do các quốc gia vẫn tiếp tục tranh cãi về loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Dầu, khí đốt và than đá là những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Các nhà hoạt động, chuyên gia cũng như nhiều quốc gia lập luận rằng việc hạn chế mạnh mẽ các loại nhiên liệu hóa thạch này là rất quan trọng để hạn chế hiện tượng nóng lên.
Hoài Phương (theo AP)