Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Quốc hội có thể sẽ họp bất thường vào trung tuần tháng 1-2024 để xem xét một số dự luật và vấn đề quan trọng khác.
Sáng 13-12, phát biểu khai mạc phiên họp 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết phiên họp thường kỳ diễn ra trong 3 ngày, cho ý kiến về 19 nội dung, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.
Trong đó, về việc cho ý kiến tổng kết kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội cho biết theo thông lệ sẽ đánh giá tổng kết toàn diện trên cơ sở ý kiến đại biểu và cử tri xem có vấn đề gì cần rút kinh nghiệm, đặc biệt cần đổi mới gì để nâng cao hiệu quả của kỳ họp.
Liên quan nội dung cho ý kiến sơ bộ về chuẩn bị kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ vừa qua có hai dự án luật quan trọng Quốc hội quyết định chưa thông qua để có thêm thời gian chuẩn bị nhằm đảm bảo chất lượng của các dự án luật, đó là Luật Đất đai sửa đổi và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.
Ngoài ra còn có quy hoạch không gian biển quốc gia, nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng như một số nội dung về tài chính, ngân sách còn tồn đọng thuộc quyền hạn của Quốc hội.
Vì thế, theo Chủ tịch Quốc hội, phải tính đến khả năng có 1 kỳ họp chuyên đề (bất thường) để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng và cấp bách trước mắt.
Bên cạnh đó, tại kỳ họp bất thường này, rất có thể sẽ có thêm một vài dự án quan trọng quốc gia Chính phủ đã chuẩn bị nhưng chưa kịp trình ở kỳ họp thứ 6.
“Thời gian từ nay đến Tết không còn nhiều, nếu có kỳ họp bất thường thì đâu đó trung tuần tháng 1-2024. Để đẩy nhanh công tác chuẩn bị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể họp thêm các phiên không thường kỳ”, ông Huệ nêu rõ.
Một nội dung khác rất quan trọng là Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Nhấn mạnh công tác lập pháp phải kỹ lưỡng ngay từ vòng đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nội dung nào đủ điều kiện thì trình, còn chưa đủ điều kiện thì dứt khoát chưa đưa vào chương trình mà cần chuẩn bị chất lượng hơn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dự kiến thông qua dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Liên quan nội dung này, ông Huệ cho biết định hướng là tăng cường công tác giám sát, các hình thức giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Bởi lẽ, hiện chưa có quy định cụ thể về trình tự, cách thức tổ chức cũng như hiệu lực, hiệu quả các phiên giải trình trong khi đây là hoạt động thường xuyên, cần mở rộng.
Ông nêu rõ kết thúc giải trình mà không ban hành nghị quyết, kết luận thì không có hiệu lực. Vấn đề giải trình nổi lên rất nhanh nên cần xem xét cách thức chuẩn bị thế nào, còn nếu chuẩn bị từ 3 – 4 tháng thì công việc trôi qua mất rồi.
Do đó, ông yêu cầu cần quy định rành mạch, chủ động, trách nhiệm, chuyên sâu, nhạy bén như yêu cầu của nghị quyết 27 của trung ương về xây dựng nhà nước pháp quyền.
Ngoài ra, tại phiên họp trong tháng cuối năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét nhiều nội dung quan trọng về tài chính, ngân sách, địa giới hành chính và nhân sự…
Tuoitre.vn