Một trận mưa sao băng hoàn toàn mới có thể sẽ xuất hiện vào tối nay 12.12, khiến nhiều người yêu thiên văn bất ngờ và thích thú. Ở Việt Nam có quan sát được mưa sao băng này không?
Mưa sao băng “mới toanh”
Các nhà khoa học dự báo mảnh vụn từ sao chổi 46P/Wirtanen có thể xâm nhập bầu khí quyển trái đất và tạo ra trận mưa sao băng hoàn toàn mới được đặt tên là Lambda – Sculptorids.
Theo Space.com, trái đất thường trải qua nhiều trận mưa sao băng trong năm, với nguồn gốc là chiếc đuôi đá bụi của một số sao chổi và tiểu hành tinh. Tuy nhiên, 46P/Wirtanen chưa từng gây ra điều này.
Theo đó vào 12.12, các mảnh vụn từ 46P/Wirtanen có thể xâm nhập bầu khí quyển trái đất và tạo ra trận mưa sao băng hoàn toàn mới, được đặt tên là Lambda – Sculptorids. Sự kiện được phát hiện tình cờ bởi nhóm khoa học gia từ Đài thiên văn Paris (Pháp).
Theo Space.com, thời điểm trận mưa sao băng Lambda – Sculptorids chưa từng có trong lịch sử xảy ra là lúc 8 giờ đến 12 giờ 30 phút ngày 12.12 theo giờ GMT, tức 15 giờ đến 19 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam. Mức độ hoạt động của trận mưa sao băng này vẫn còn chưa chắc chắn do chưa từng có tiền lệ. Khu vực quan sát thuận tiện nhất sẽ là châu Úc, đặc biệt là Đông nước Úc và New Zealand.
Việt Nam quan sát thế nào?
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cựu chủ nhiệm CLB Thiên văn Nghiệp dư TP.HCM (HAAC) xác nhận thông tin nói trên. Theo ông Tuấn, tâm điểm của mưa sao băng này ở chòm sao Ngọc Phu (Sculptor), tuy nhiên chưa thể đoán được cường độ của mưa sao băng này.
Theo Cựu chủ nhiệm HAAC, trận mưa sao băng này có thể quan sát tốt ở khu vực nam bán cầu, khi chòm sao Ngọc Phu ở gần thiên cực nam. Tuy nhiên, người Việt Nam cũng có thể quan sát được hiện tượng này nếu điều kiện thời tiết lý tưởng, và mưa sao băng xảy ra đúng như dự báo.
“Tại Việt Nam, tâm điểm sao băng là chòm sao Ngọc Phu sẽ lặn sau nửa đêm, nên thời gian có thể quan sát được là từ chập tối đến nửa đêm ở hướng tây nam. Chòm sao Ngọc Phu lên cao nhất khi mặt trời vừa lặn. Do là chòm sao ở phía nam nên các địa phương càng xuống phía nam thì thấy chòm sao này càng cao khỏi chân trời nam.
Lưu ý là ở Việt Nam chòm sao này lên cao nhất chỉ tầm 20 – 45 độ vào chập tối (các địa phương càng về phía Nam sẽ thấy chòm sao này càng cao) và sẽ thấp dần sau đó nên khó quan sát tốt do mây ở chân trời và bị ô nhiễm ánh sáng”, ông Anh Tuấn hướng dẫn. Cũng theo ông Tuấn, vì đây là trận mưa sao băng chưa từng diễn ra nên không có số liệu cụ thể nào.
Thế Hoàng (17 tuổi, ngụ Tây Ninh) cho biết thông qua các hội nhóm thiên văn, chàng trai vô tình biết được trận mưa sao băng đặc biệt này. Vốn là người có tình yêu đặc biệt với các hiện tượng bầu trời, đặc biệt là mưa sao băng, nên anh nói mình sẽ không bỏ lỡ.
“Dù là giữa tuần, em còn đi học nhưng chắc chắn em sẽ không bỏ lỡ. Hy vọng là thời tiết tốt. Em cũng hẹn nhiều bạn ngắm lắm, vì em ở vùng quê, không bị ô nhiễm ánh sáng nên có thể quan sát thuận lợi hơn”, Hoàng hào hứng.
Sau trận mưa sao băng này, tối 14 rạng sáng 15.12 tới đây, mưa sao băng Geminids đạt cực đại. Đây là sự kiện được nhiều người yêu thiên văn mong chờ, khi nó được mệnh danh là mưa sao băng đẹp nhất năm 2023 hay “vua của các trận mưa sao băng”.
Thanhnien.vn