Chị Hà Anh thân mến!
Dạo gần đây, vợ chồng em thường xuyên “chiến tranh lạnh” vì không đồng quan điểm về cách giáo dục con. Con trai em năm nay học lớp 8. Đầu năm học, con rất chăm chỉ học bài, nhưng gần đây con mê chơi, chểnh mảng việc học. Điểm kiểm tra môn Tiếng Anh 15 phút cô gửi về, nhưng con không đưa cho bố mẹ xem mà giấu luôn. Ngoài ra, con còn hay cãi bố mẹ mỗi khi được góp ý. Em có gọi điện hỏi cô chủ nhiệm về tình hình học tập ở trên lớp, thì được biết con học kém hơn, không chú ý nghe cô giảng bài và hay làm việc riêng. Trong tiết học Toán, cô gọi lên bảng nhưng con không làm được bài, mặc dù con học rất tốt môn này. Cô còn nói tuần vừa rồi, trong giờ học con đã lấy truyện ra đọc. Cô tịch thu và bắt viết cam kết không tái phạm.
Biết tình hình học tập của con ở trên lớp, em đã trao đổi với chồng để có phương pháp giáo dục phù hợp. Khi nghe em nói về việc đọc truyện trong giờ học, anh đã gọi con ra cho một trận “mưa roi”. Vì chuyện này mà em và chồng đã cãi nhau rất nặng nề. Em không đồng ý với cách dạy con của anh. Nhưng anh nói “thương cho roi cho vọt”, phải đánh thật đau để lần sau không tái phạm. Em nên làm gì để chồng thay đổi, giáo dục con đúng cách?
Q.A (Đồng Xoài)
Q.A thân mến!
Con em năm nay học lớp 8, cháu đang bước vào giai đoạn tuổi dậy thì. Lúc này, tâm sinh lý của cháu sẽ có sự thay đổi nhất định, thường hay nổi loạn, cáu gắt mỗi khi bị chê bai hay góp ý không đúng. Em không nên quá lo lắng mà cần quan tâm, gần gũi con hơn, cùng chồng trao đổi để có phương pháp dạy con phù hợp. Em và chồng hãy lắng nghe và trò chuyện với con như những người bạn để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của con. Từ đó mới biết con cần gì và đang thay đổi như thế nào. Ngoài ra, em cũng khéo léo khuyên con về tính kỷ luật trong học tập, việc đọc truyện trong giờ học là hành vi không tốt. Làm như vậy là không tôn trọng cô giáo, ảnh hưởng đến các bạn và kết quả học tập của bản thân. Nếu con thích đọc truyện, em có thể cho con đọc thoải mái vào ngày nghỉ cuối tuần, còn những buổi đi học con phải nghiêm túc.
Đối với việc cháu giấu cha mẹ kết quả kiểm tra môn Tiếng Anh, có thể là do cháu bị điểm kém, sợ bị rầy la nên không dám đưa. Vì vậy, em hãy khuyên con chăm chỉ học để có kết quả tốt hơn, đồng thời chỉ cho con thấy hành vi giấu cha mẹ như vậy là sai. Nếu có khó khăn hãy nói với cha mẹ, để cha mẹ có thể cùng con tìm ra phương án giải quyết tốt nhất. Em cũng không nên đặt nặng vấn đề điểm số, vì sẽ tạo cho con tâm lý lo sợ, áp lực trong học tập.
Còn quan điểm của chồng em về cách dạy con như vậy là chưa đúng, vì sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của con. Thay vì áp đặt và mong muốn con làm theo ý mình, cha mẹ nên khích lệ, động viên con trong mọi việc. Cha mẹ hãy dạy con tự lập và biết tự chịu trách nhiệm về những hành vi của mình. Đồng thời, tránh trừng phạt quá nghiêm khắc khi con làm sai hoặc có hành vi không tốt, bởi con có thể cảm thấy bực bội, khó chịu và ngày càng xa lánh cha mẹ. Trong lúc nói chuyện với con, em phải thật bình tĩnh, đừng để cảm xúc chiếm ưu thế. Khi em tỏ thái độ tức giận hoặc thất vọng có thể khiến cháu càng “thu mình” và không muốn tâm sự với cha mẹ khi gặp khó khăn. Do đó, em hãy luôn đồng hành và làm bạn cùng con để con tin tưởng chia sẻ những buồn vui trong học tập cũng như cuộc sống.
Chúc gia đình em luôn hạnh phúc.