Xuất khẩu hạt điều dự báo tăng trưởng mạnh trong các tháng tới Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu điều |
Xuất khẩu tăng dần về cuối năm
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, theo ước tính, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 11/2023 đạt 65 nghìn tấn. Ước tính giá xuất khẩu đạt mức 5.512 USD/tấn, thu về trị giá khoảng 358 triệu USD.
Mức giá xuất khẩu điều dù đã giảm 12,6% so với tháng trước nhưng lượng xuất khẩu và trị giá lại tăng lần lượt ở mức 1,1% và 0,03% so với tháng 10/2023, so với tháng 11/2022 tăng 34,5% và tăng 30,7%.
Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu hạt điều Việt Nam ước đạt 582 nghìn tấn, trị giá 3,31 tỷ USD, tăng 23,1% về lượng và tăng 17,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 11 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.682 USD/tấn, giảm 4,7% so với cùng kỳ.
Với kết quả trong 11 tháng, ngành điều đã vượt mốc so với kế hoạch mà Hiệp hội Điều Việt Nam đưa ra là 3,1 tỷ USD và dự báo sẽ còn tăng thêm trong tháng 12 này.
Đơn hàng xuất khẩu điều tăng về các tháng cuối năm |
Nhận định về thị trường và hoạt động kinh doanh xuất khẩu điều năm 2023, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội điều Bình Phước, Chủ tịch Tập đoàn Long Sơn- cho rằng, nếu so với năm 2022 thì lượng xuất khẩu cả năm 2023 tăng trưởng ở mức khoảng 25%, tuy vậy về giá trị lại thấp hơn.
Việc ngành điều giảm giá trị, theo ông Vũ Thái Sơn xuất phát từ đặc điểm ngành điều phải mua nguyên liệu trước 6 tháng. Trong khi đó đầu năm 2023 các doanh nghiệp đã mua nguyên liệu giá cao, nhưng các tháng sau đó giá xuất khẩu của thế giới lại giảm dần. Cùng lúc doanh nghiệp cũng còn phải đối mặt với chi phí lãi vay cao, tỷ giá biến động… dẫn tới hiệu quả kinh doanh gần như không có.
2024 vẫn có triển vọng
Mặc dù vậy, ông Sơn cho rằng, ngành điều vẫn có triển vọng tốt trong năm 2024 bởi nhiều thị trường thế giới như EU, Nhật Bản… vẫn có nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ điều. Minh chứng là từ cuối năm 2023 đơn đặt hàng nhập khẩu của các nước như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… đang tăng lên và thời điểm này hơn 10 nhà máy chế biến điều của Long Sơn đang phải hoạt động hết công suất, thậm chí còn phải cân nhắc không nhận thêm đơn hàng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH VINAHE (Bình Phước)- cho biết, các đơn hàng xuất khẩu của VINAHE tăng đáng kể trong những tháng cuối năm và công ty cũng phải làm việc hết công suất để đáp ứng được tiến độ giao hàng.
Triển vọng là có, song theo nhận định chung của các doanh nghiệp, ngành điều đang phải đối mặt với bài toán nguyên liệu, chi phí lãi vay cao… cùng làn sóng dịch chuyển sang sản xuất xanh theo xu thế toàn cầu. Trong đó về nguyên liệu, diện tích điều ngày càng thu hẹp bởi người dân chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn như sầu riêng, mít… Do đó, trong năm tới nếu các doanh nghiệp trong nước không đồng lòng, đoàn kết để điều tiết giá nhập khẩu nguyên liệu điều thô và giá điều nhân chế biến. Về làn sóng chuyển đổi xanh, theo các doanh nghiệp, các thị trường ngày càng có những yêu cầu khắt khe hơn về những tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội…
Dẫn ví dụ từ Tập đoàn Long Sơn, ông Vũ Thái Sơn cho biết, doanh nghiệp này đang xuất khẩu cho các đối tác là siêu thị ở Mỹ, châu Âu nên đòi hỏi các tiêu chuẩn rất cao. Chẳng hạn nếu như trước đây các thông số trên bao bì có thể in thì đối tác yêu cầu phải khắc laser. Doanh nghiệp cũng phải chứng minh cho đối tác thấy trách nhiệm xã hội, môi trường.
Công nhân đóng gói điều xuất khẩu |
Cần được “tiếp sức”
Để tận dụng cơ hội của thị trường, các doanh nghiệp đã và đang cố gắng đầu tư cơ giới hóa, tự động hóa, giảm bớt công nhân, giảm chi phí sản xuất và cố gắng bán hàng – dù giá có rẻ hơn. Việc này nhằm giúp doanh nghiệp giảm tồn kho, xoay vòng tiền trả nợ ngân hàng, từ đó giảm lãi vay. Cùng với đó, đầu tư điện mặt trời mái nhà để tiết giảm tiền sử dụng điện, đồng thời thực hiện ký kết hợp đồng lao động cho công nhân đúng theo thông lệ quốc tế.
“Hóa đơn tiền điện phải giảm, phải có tấm pin điện mặt trời trên nóc nhà máy thì đối tác mới chấp nhận. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải ký hợp đồng đầy đủ với công nhân, cam kết không vi phạm làm ngoài giờ. Có như vậy mới giành được hợp đồng dài hạn với đối tác”- ông Sơn cho biết.
Tuy vậy, ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, Hiệp hội Điều Việt Nam đề xuất, trong thời gian tới nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn vay thông thoáng hơn cho doanh gnhiệp; đặc biệt có cơ chế linh hoạt trong việc thu ngoại tệ khi xuất khẩu, cụ thể là bán thị trường nào thì thu ngoại tệ thị trường đó.
Một vấn đề khác mà các doanh nghiệp cũng quan tâm là hoàn thuế VAT. Theo đó, quy trình thủ tục xác minh của cơ quan thuế hiện nay phải gửi thư tới các nước nhập khẩu. Các doanh nghiệp cho rằng, về cơ bản xác minh là phù hợp nhưng có một số khách hàng (Nhật Bản), nếu thủ tục xác minh quá nhiều sẽ gây khó cho doanh nghiệp, dẫn tới mất hợp đồng.
“Cục thuế gửi xác minh đi khắp các nước thế giới chúng tôi không vấn đề gì, nhưng chúng tôi đề xuất ít gửi khách hàng Nhật Bản. Vì mỗi lần gửi vậy Nhật Bản sẽ yêu cầu chúng tôi giải trình và nghĩ rằng chúng tôi làm ăn có vấn đề, từ đó có thể chuyển sang mua điều của Ấn Độ”- ông Sơn chia sẻ.