Buổi tọa đàm dự kiến có sự tham gia của đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính); đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương; đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương; đại diện Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp; đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vicopro); đại diện Cục Hải quan TP.HCM… Bên cạnh đó, buổi tọa đàm còn có sự tham gia của một số đại biểu Quốc hội, chuyên gia.
Góp phần hoàn thiện khung pháp lý
Buổi tọa đàm là nơi để các nhà quản lý, chuyên gia trình bày quan điểm, kiến nghị, đề xuất giải pháp để quản lý hiệu quả thuốc lá thế hệ mới (TLTHM). Đồng thời góp phần hoàn thiện khung pháp lý nhằm chấm dứt tình trạng thả lỏng cho thị trường chợ đen hoành hành, gây khó khăn cho công tác kiểm soát buôn lậu cũng như thiệt hại cho ngân sách nhà nước lẫn sức khỏe của người dùng.
Cùng với đó, tọa đàm cũng là nơi góp tiếng nói trong việc cần đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2013 để tạo điều kiện cho việc luật hóa TLTHM, hướng đến việc tìm ra giải pháp giảm tác hại cho thuốc lá điếu. Đặc biệt cần có khung pháp lý phù hợp cho mặt hàng này để có mức hình phạt cụ thể, xác đáng đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan.
Trong đó cần làm rõ định nghĩa về thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử và các nội dung liên quan, về tiêu chuẩn, quy chuẩn lưu thông trên thị trường cùng các quy định về quản lý việc sản xuất, đầu tư, mua bán, nguyên liệu; việc quảng cáo sản phẩm, hàng hóa…
Bởi gần 10 năm qua, các sản phẩm TLTHM gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đã xuất hiện và trở nên quen thuộc tại Việt Nam, dù tới nay các sản phẩm TLTHM vẫn chưa được phép nhập khẩu và lưu hành tại nước ta. Hiện nay, các sản phẩm này đang được bày bán tràn lan trên mạng xã hội lẫn các cửa hàng, dưới dạng nhập lậu.
Nhiều khảo sát cho thấy số người biết hoặc có sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng là rất cao. Ảnh: MINH HOÀNG
Những sản phẩm nhập lậu trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ này đồng nghĩa với việc chất lượng sản phẩm sẽ không đảm bảo, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người hút thuốc.
Chưa kể, kẻ gian còn lợi dụng lỗ hổng của việc chưa chính thức áp dụng khung pháp lý quản lý TLTHM để trộn lẫn ma túy, cần sa, chất cấm… vào trong vỏ thiết bị thuốc lá điện tử nhằm biến những người mua nhẹ dạ cả tin thành “con nghiện”, dẫn đến nhiều ca ngộ độc, gây xôn xao xã hội trong thời gian qua. Thậm chí một số đối tượng còn dùng tiền dụ dỗ học sinh sử dụng và trở thành “kênh phân phối” hàng cấm…
Thực trạng này cũng tạo thêm gánh nặng cho các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn tội phạm buôn lậu lẫn tội phạm ma túy. Không chỉ vậy, TLTHM nhập lậu vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam mà không có kiểm soát, với số lượng ngày càng gia tăng khiến ngân sách nhà nước bị thất thu rất lớn.
Cần phải đưa TLTHM vào quản lý
Dựa trên hệ thống pháp luật hiện có đã quy định thuốc lá điếu là mặt hàng kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, nhiều chuyên gia đánh giá hiện nay không có rào cản pháp lý nào trong việc quản lý các sản phẩm TLTHM nếu sản phẩm đó thuộc định nghĩa về sản phẩm thuốc lá theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Không thể tư duy theo hướng quản không được thì cấm, vì việc cấm không phải là chính sách lâu dài cũng như không giải quyết được những vấn đề ách tắc mà xã hội đang gặp phải do tính phong phú, đa dạng chủng loại của TLTHM cùng với tình trạng buôn lậu luôn diễn biến phức tạp.
Mặt khác, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá nên chịu sự điều chỉnh của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC). WHO cũng khuyến cáo mỗi quốc gia cần cân nhắc tới thực trạng tiêu thụ TLTHM, nếu việc ngăn cản sự hiện diện các sản phẩm này là không khả thi thì cần phải đưa những sản phẩm này vào quản lý và chịu sự kiểm soát của Luật Phòng, chống thuốc lá của nước sở tại.
Đáng chú ý, Việt Nam cũng sắp tham gia vào Hội nghị các bên lần thứ 10 (COP10) của Công ước FCTC vào tháng 11 tới đây, trong đó tâm điểm của sự kiện sẽ thảo luận về quan điểm quản lý của các nước đối với TLTHM. Vì vậy, việc kịp thời đưa ra khung pháp lý để chính thức đưa TLTHM vào quản lý chặt chẽ sẽ giúp khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế về khả năng kiểm soát mọi loại sản phẩm thuốc lá trên thị trường.
Trên cơ sở sức khỏe của người dùng cũng như chỉ đạo từ Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương thống nhất ý kiến để sớm có câu trả lời cho Chính phủ, xã hội cũng như các nghị trình hợp tác quốc tế.
Đây là lý do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm “Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành”. Thông tin chi tiết về cuộc tọa đàm sẽ được báo Pháp Luật TP.HCM cập nhật đầy đủ trên plo.vn và các nền tảng xã hội để độc giả tiện theo dõi.
Xu hướng dùng thuốc lá thế hệ mới tăng
Nhu cầu về các sản phẩm TLTHM đang hiện hữu. Nhiều khảo sát cho thấy số người biết hoặc có sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng là rất cao. Cứ 10 người thì có chín người biết đến sự hiện diện của hai sản phẩm TLTHM này.
Điều này chứng tỏ sự quan tâm của người dùng và nhu cầu tìm kiếm, chuyển đổi sang TLTHM giảm tác hại hơn là tiếp tục hút thuốc lá điếu là có thật trong xã hội, với xu hướng ngày càng tăng.
Nguồn PLO