Nhiều thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố phương thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Đây là kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên của khóa học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo đó, học sinh phải thi 4 môn, trong đó môn Toán và Ngữ văn là môn thi bắt buộc. Về hình thức thi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Thí sinh phải thi 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Số tổ hợp tuyển sinh đại học có thể sẽ ít đi Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện các trường đại học rất cần được cung cấp dữ liệu đầy đủ về tình hình học sinh đăng ký lựa chọn môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới để có cơ sở xây dựng phương thức xét tuyển phù hợp, đặc biệt trong xây dựng tổ hợp môn xét tuyển. |
Như vậy, so với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay, số môn thi từ năm 2025 sẽ giảm đi 2 môn. Bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) không còn.
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chính thức phương án thi, nhiều ý kiến đồng ý vì đây là phương án có ưu điểm làm giảm áp lực thi cử cho học sinh khi các em giảm được 2 môn so với số môn thi hiện nay; giảm chi phí cho gia đình học sinh và xã hội khi số buổi thi chỉ còn 3, giảm số buổi thi so với hiện nay.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến lo lắng việc học ngoại ngữ sẽ bị sao nhãng. Xung quanh vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Chương – Cục trưởng Cục quản lý chất lượng cho biết theo chương trình hiện hành, từ lớp 3 đến lớp 12, học sinh đều được học và thi môn Ngoại ngữ mà các em lựa chọn, không chỉ là tiếng Anh.
Việc học và thi đánh giá trong quá trình chính là nền tảng quan trọng nhất để học sinh cải thiện, nâng cao phẩm chất năng lực ngoại ngữ. Nhấn mạnh thêm, ông Chương cho biết Bộ GD&ĐT cũng rất quan tâm đến vấn đề đào tạo ngoại ngữ cho người học, minh chứng cụ thể là việc dạy học ngoại ngữ được lồng ghép xuyên suốt trong cả bậc Đại học.
“Hiện nay, theo khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc thì mỗi sinh viên muốn ra trường phải có chứng chỉ ngoại ngữ tối thiểu ở bậc 3/6. Do đó, không thể nhìn một kỳ thi tốt nghiệp THPT để nói rằng đang làm ảnh hưởng quá trình dạy và học ngoại ngữ được” – ông Chương nói.
Đổi nhiều nhưng liệu có mới?
Bên cạnh việc lo lắng cho chất lượng dạy và học ngoại ngữ thì cách hỏi và bố cục đề thi cũng là điều mà nhiều học sinh và giáo viên rất quan tâm. Bởi, chương trình phổ thông mới không đào tạo theo hướng truyền thụ kiến thức mà hình thành năng lực. Vì thế, việc đề thi có dạng câu hỏi như nào là điều mà nhiều học sinh quan tâm vào lúc này.
Em Nguyễn Thị Hiền – học sinh lớp 11, Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho rằng, em hồi hộp chờ đợi Bộ GD&ĐT sớm đưa ra đề thi minh họa. Đây là lần đầu tiên thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông mới nên chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi. “Em và các bạn rất mong muốn đề thi có nội dung sát với chương trình học, đảm bảo mục tiêu đánh giá năng lực của chương trình giáo dục mới. Hiện, mỗi trường sử dụng các bộ sách giáo khoa khác nhau nên đề thi sẽ không có ngữ liệu trong sách giáo khoa vì thế việc ôn tập cũng là điều em rất quan tâm lúc này” – bạn Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.
Tuyển sinh đại học sẽ không gây khó thí sinh Thạc sĩ Lê Phan Quốc – Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, tuyển sinh đại học nhìn chung sẽ có nhiều thay đổi về tổ hợp xét tuyển khi có sự xuất hiện các môn mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các trường đại học sẽ phải xây dựng phương án khớp với bối cảnh đào tạo của học sinh trung học phổ thông hiện nay mới có thể tuyển được thí sinh phù hợp với trường, với ngành. Thầy khuyên học sinh an tâm với những lựa chọn môn học của bản thân, không quá lo lắng về việc khó theo đuổi ngành học yêu thích khi rời ghế phổ thông. |
Đồng quan điểm với em Nguyễn Thị Hiền, nhiều học sinh lúc này kỳ vọng vào việc thay đổi trong cách ra đề và đặt câu hỏi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Em Nguyễn Thị Hoài – học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh khi chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận cho rằng: Nếu đề thi trắc nghiệm không còn kiểm tra kiến thức mà kiểm tra năng lực thì chắc chắn sẽ có nhiều bất ngờ.
“Mấy năm qua, nhiều trường đại học tổ chức thi đánh giá năng lực, cách thức thi khác với việc học tập tại Trường THPT cũng gây ra nhiều bất ngờ cho học sinh. Do đó, kỳ vọng với đề thi kiểu mới sẽ gần gũi với các em, nhưng cũng không nên quá đòi hỏi cao về kiểm tra kiến thức nhớ, thuộc lòng như đề thi tốt nghiệp THPT hiện nay” – em Nguyễn Thị Hoài bày tỏ.
Không chỉ học sinh mà nhiều thầy cô giáo cũng chờ đợi vào sự thay đổi của cách hỏi trong đề thi THPT 2025. Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, cô Nguyễn Thị Tú Anh (Giáo viên Ngữ Văn tại Hà Nội) chia sẻ, cô hy vọng hình thức thi đã thay đổi thì nội dung cách ra đề cũng sẽ thay đổi. “Bình mới, rượu phải mới. Không nên đổi mới chỉ là hình thức bên ngoài” – cô Nguyễn Thị Tú Anh nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Hà – Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT thông tin, song song việc chuẩn bị phương án thi tốt nghiệp 2025, lãnh đạo Bộ GD&ĐT chỉ đạo sớm việc nghiên cứu cấu trúc, định dạng ngân hàng thi. Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được xây dựng theo hướng khắc phục tình trạng lệch điểm quá lớn giữa các môn, đặc biệt các nhóm môn giữa Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên.
“Bộ sẽ có cuộc tập huấn giáo viên ở tất cả các môn thi tốt nghiệp THPT 2025 với 63 tỉnh thành cùng một số cơ sở giáo dục đại học tham gia, đóng góp nhiều cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc tập huấn được thực hiện theo hình thức online, khoảng hơn 3.000 giáo viên tham gia. Đây là đội ngũ cốt lõi nắm vững chương trình, nắm vững lý thuyết khảo thí, ngân hàng câu hỏi thi sẽ được thay đổi từ cơ sở” – ông Hà nói.
Về nguyên tắc, theo ông Hà, thời điểm công bố đề minh họa cho kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ là lúc học sinh học chương trình lớp 12. Tuy nhiên, đây là thời điểm quan trọng mang tính dẫn đường cho việc dạy, việc học của học sinh. Do đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT quyết định, ngay sau khi thử nghiệm định dạng, cấu trúc sẽ công bố định dạng, cấu trúc minh họa, mô phỏng theo hướng cấu trúc đề thi 2025.
Có thể thấy, tới đây nội dung ra đề thi chắc chắn cũng có nhiều đổi mới, điều này đang gây nên sự hồi hộp chờ đợi đối với học sinh đang theo học chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì thế, việc sớm có đề thi minh họa để giúp học sinh chủ động hơn trong việc ôn thi là điều cần sớm phải tính đến.
PV