Fed thận trọng trong quyết định cắt giảm lãi suất
Động thái của Fed sau những phiên họp thường kỳ luôn được các chuyên gia kinh tế trên thế giới quan sát một cách thận trọng. Tuy nhiên, với những dấu hiệu trong một vài tháng trở lại đây, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra ý kiến cho rằng Fed có thể hạ lãi suất trong năm 2024.
Tại một buổi gặp gỡ của Fed với các doanh nghiệp nhỏ ở Pennslvania trong tháng 10, Julie Keene, sáng lập Flinchbaugh’s Orchard & Farm Market đã cho biết trang trại gia đình cô gặp vấn đề rất lớn với tình hình lạm phát trong 2 năm vừa qua. Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell khi đó đã khẳng định chắc chắn đã tìm ra cách để hạ nhiệt lạm phát.
Thực tế thì tình trạng lạm phát tại Mỹ đã diễn biến phức tạp hơn những gì mà Fed dự báo. Điều này khiến Fed phải cân nhắc giữa việc duy trì đà tăng lãi suất để đương đầu với lạm phát hay liều lĩnh cắt giảm lãi suất để thúc đẩy đà tăng trưởng đang có phần chững lại.
Về động thái của Fed thì cơ quan này đã dừng việc tăng lãi suất từ tháng 7 trở lại đây. Lãi suất đã được đẩy lên mức từ 5,25% đến 5,5%, mức cao nhất trong vòng 22 năm trở lại đây. Việc tăng lãi suất cơ bản của Fed đã ảnh hưởng tới các khoản vay kinh doanh, vay tín dụng của cả nền kinh tế Mỹ cũng như nhiều quốc gia liên quan.
Tuy nhiên, việc Fed đã tạm dừng tăng lãi suất và duy trì mức lãi suất cao trong tâm lý thận trọng suốt nhiều tháng liền cũng đã làm dấy lên hy vọng cho các chuyên gia kinh tế vào một sự thay đổi trong năm 2024 sắp tới. David Wilcox, cựu chuyên gia kinh tế của Fed, hiện đang làm việc tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết: “Rất khó có khả năng Fed cắt giảm lãi suất rồi sau đó lại quyết định tăng lãi suất trở lại. Họ sẽ phải sẵn sàng nhất có thể khi bắt đầu cắt giảm lãi suất. Và hiện có nhiều bằng chứng cho thấy rằng lạm phát đang hạ nhiệt.”
Triển vọng Fed hạ lãi suất
Trong tình trạng hiện tại, việc duy trì lãi suất sẽ đưa tới cho Fed 2 trường hợp rủi ro. Nếu chính sách nới lỏng cho nền kinh tế được áp dụng quá muộn, tình trạng thất nghiệp cùng áp lực lãi suất sẽ đè nặng lên nền kinh tế. Nếu nới lỏng chính sách quá sớm, lạm phát sẽ quay trở lại và Fed sẽ phải chấp nhận mục tiêu lạm phát cao hơn, ở mức 3% thay vì mục tiêu 2% đề ra trước đó.
Một ví dụ dễ thấy được trong sự ảnh hưởng về chính sách tiền tệ thắt chặt là giá nguyên liệu đang gia tăng mạnh. Công ty bán thực phẩm Flinchbaugh’s cho biết tỷ suất lợi nhuận của họ đã giảm đáng kể khi chi phí nguyên liệu, phân bón và nhân công tăng vọt trong năm qua.
Tuy nhiên, trong những tháng vừa qua, nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát và đà tăng trưởng tiền lương của người lao động đã hạ nhiệt dần. Tim Duy, nhà kinh tế trưởng tại SGH Macro Advisor cho biết các đợt nâng lãi suất, thắt chặt chính sách của Fed thực chất để khôi phục sự ổn định về giá. Như vậy, khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, khả năng cao Fed sẽ cắt giảm lãi suất sớm để tránh một cuộc suy thoái lớn.
Hai kịch bản hạ lãi suất của Fed dựa vào điều kiện của nền kinh tế
Lạm phát giảm sẽ là cơ sở đề Fed xem xét cắt giảm lãi suất. Chủ tịch Fed Chicago Austan Goosbee đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trước đó cho biết Fed sẽ quay về với kịch bản từng thực hiện trong các cuộc suy thoái trước đây. Đó là Fed sẽ giảm lãi suất khi nền kinh tế phát triển chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng mạnh hơn so với dự kiến nhằm hạn chế rủi ro tiêu cực của chính sách.
Trong trường hợp thứ 2, dù chỉ số của nền kinh tế vẫn duy trì ở mức khả quan, Fed vẫn sẽ cắt giảm lãi suất trở lại mức gần bằng trước khi đại dịch. Đồng thời giữ lãi suất ở mức ổn định.
Thống đốc Fed Christopher Waller từng phát biểu về khả năng cắt giảm lãi suất có thể diễn ra trong mùa xuân năm sau nếu lạm phát diễn biến đặc biệt tốt.
Ông Christopher Waller cho biết “Nếu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt trong vài tháng nữa, tôi không biết điều này sẽ có thể diễn ra trong bao lâu, 3,4 hay 5 tháng nữa nhưng chúng tôi tin lạm phát đang thực sự hạ nhiệt dần. Khi đó ta có thể hạ lãi suất xuống.” Phát biểu này đã mở ra hi vọng lớn trong khả năng Fed cắt giảm lãi suất muộn nhất là vào quý 2 năm 2024 tới đây.