Theo nghiên cứu của Trung tâm ASEAN – Nhật Bản, khách du lịch Nhật Bản đánh giá “ẩm thực” và “di sản” của Việt Nam là hai yếu tố hút khách hàng đầu.
Việt Nam có vô vàn điểm du lịch hấp dẫn. (Nguồn: TITC) |
Điểm đến yêu thích của du khách Nhật Bản
Với tiềm năng, thế mạnh về văn hóa lịch sử lâu đời, ẩm thực phong phú, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, an ninh, chính trị ổn định, chính sách miễn thị thực nhập cảnh dài ngày, Việt Nam là một trong những điểm đến yêu thích ở ASEAN của du khách quốc tế, đặc biệt là du khách Nhật Bản.
Trong khi đó, Nhật Bản là một trong những đất nước mà người Việt Nam lựa chọn hàng đầu khi đi du lịch nước ngoài bởi an ninh tốt, người dân văn minh, lịch sự, và có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn như ngắm hoa anh đào, mùa thu lá vàng, văn hoá ẩm thực, mua sắm đa dạng và chất lượng.
Giai đoạn 2015-2019, khách Nhật Bản sang Việt Nam tăng trưởng ổn định, trung bình 9,1%/năm. Sau khi mở lại du lịch quốc tế, trong năm 2022, tổng số trao đổi khách hai bên đạt gần 460 nghìn lượt. Trong 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 621 nghìn lượt khách Nhật Bản, đứng thứ ba trong các thị trường gửi khách đến Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản đón 301 nghìn lượt khách Việt Nam.
Phố cổ Hội An lung linh trong ánh đèn. (Nguồn: TITC) |
Một số điểm đến của Việt Nam thu hút khách du lịch Nhật Bản gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, cụm Huế – Đà Nẵng – Hội An, Quảng Ninh, Ninh Bình và Nha Trang. Theo nghiên cứu của Trung tâm ASEAN – Nhật Bản, khách du lịch Nhật Bản đánh giá “ẩm thực” và “di sản” của Việt Nam là hai yếu tố hút khách hàng đầu.
Hệ thống đường bay thẳng tạo sự kết nối thuận lợi giữa các thành phố lớn và các điểm du lịch chính của hai nước. Tháng 5/2023, Chính phủ Nhật Bản lựa chọn và giới thiệu Việt Nam vào danh sách 24 quốc gia là điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn, khuyến khích các công ty lữ hành khai thác và gửi khách tới.
Hợp tác phục hồi và phát triển du lịch
Tại Đối thoại đặc biệt giữa Bộ trưởng Du lịch ASEAN – Nhật Bản và thảo luận “ASEAN – Nhật Bản 50 năm tới: Cùng nhau thiết lập con đường hướng tới du lịch bền vững” diễn ra ngày 28/10 tại Tokyo nhân kỷ niệm 50 năm Quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN – Nhật Bản, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đã chia sẻ về tình hình phục hồi du lịch sau đại dịch và kinh nghiệm trong hồi phục du lịch bền vững và kiên cường hơn. Kể từ nửa cuối năm 2022 đến những tháng đầu năm 2023, Việt Nam đang có sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch thế giới và khu vực, trong đó có các nước thành viên ASEAN và Nhật Bản.
Các Bộ trưởng, đại diện cơ quan quản lý du lịch ASEAN và Nhật Bản tham gia Đối thoại. (Nguồn: TTXVN) |
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 8,9 triệu lượt khách quốc tế, phục hồi 66% so với mức trước đại dịch năm 2019. Trong đó, có 415.000 lượt khách từ Nhật Bản, phục hồi 58% so với năm 2019.
Du lịch Việt Nam nói riêng và thế giới đang phục hồi mạnh mẽ nhưng có rất nhiều thay đổi. Vì vậy, nhiều sáng kiến, nỗ lực đổi mới sáng tạo đã được thực hiện nhằm tái thiết ngành du lịch và định hình lại tương lai du lịch theo hướng bền vững như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế số, du lịch thông minh, du lịch xanh… nhận được nhiểu sự quan tâm ở trong và ngoài nước.
Theo ông Hà Văn Siêu, dưới góc độ du lịch bền vững, Việt Nam tin rằng sự bền vững về văn hóa cần được đặt lên hàng đầu trong sự hài hòa với các khía cạnh kinh tế và môi trường. Văn hóa là nguồn lực to lớn và vô giá để phát triển du lịch. Tôn trọng sự khác biệt và đa dạng văn hóa bản địa của các nước ASEAN và Nhật Bản, chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt và không thể so sánh được.
Từ đó có thể phát triển hơn nữa sức hấp dẫn riêng của mỗi quốc gia, người dân và cộng đồng của họ. Các nền văn hóa đa dạng thu hút khách du lịch đến các nước ASEAN và Nhật Bản đồng thời mang đến những trải nghiệm đa dạng cho khách du lịch, khuyến khích nhiều hoạt động du lịch hơn với những ấn tượng hài lòng, lưu trú lâu hơn và hình ảnh điểm đến tích cực.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tập trung vào chuyển đổi số trong du lịch để tạo ra hệ sinh thái du lịch thông minh, Việt Nam mong đợi có sự chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN khác về thiết lập dữ liệu lớn du lịch, giải pháp du lịch thông minh, ứng dụng du lịch, bản đồ số thắng cảnh, ẩm thực…
Ẩm thực là một trong những yếu tố “hút” khách du lịch. Trong ảnh: Lẩu mắm rừng U Minh. (Nguồn: TITC) |
Tác động của việc phục hồi kinh tế chậm ảnh hưởng đến thu nhập, do đó du khách cắt giảm nhu cầu đối với các hoạt động và dịch vụ quan trọng. Việt Nam kêu gọi các nước thành viên ASEAN và Nhật Bản trong quan hệ đối tác và hợp tác nên phối hợp chặt chẽ với nhau để vượt qua những thách thức này.
Việt Nam tin tưởng rằng, với mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống bền chặt và sự tin tưởng hoàn toàn được xây dựng trong 50 năm qua sẽ tiếp tục mở đường cho sự hợp tác du lịch hiệu quả giữa ASEAN và Nhật Bản trong những năm tới.