Chiều 10/12, hàng nghìn người tị nạn đã tuần hành trên đường phố gần ga xe lửa Montparnasse ở miền nam Paris để phản đối Dự luật nhập cư mới, trong đó bãi bỏ cơ chế hỗ trợ y tế công dành cho những người nhập cư bất hợp pháp trên 3 tháng tại Pháp.
Những người tuần hành cầm biểu ngữ tuyên bố phản đối “luật Darmanin”, được đặt theo tên của Bộ trưởng Nội vụ Pháp. Những tấm biểu ngữ khác viết “Nhập cư không phải là vấn đề – phân biệt chủng tộc mới là vấn đề”.
Người cầm loa đi đầu nhóm là anh Ahmada Siby (33 tuổi, người Mali) đã đến Pháp được gần 5 năm. Lợi dụng kẽ hở pháp lý, Siby đã sử dụng giấy tờ của người khác để làm công việc dọn dẹp, hầu phòng và gần đây là rửa bát.
“Hầu hết những người nhập cư không có giấy tờ đều sử dụng phương pháp này, nhưng như thế có nghĩa là chúng tôi đang đóng phí và thuế bảo hiểm xã hội mà không được hưởng lợi từ các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe công cộng thông thường như công dân Pháp”, Siby bày tỏ.
Siby cho biết thêm những người nhập cư như anh đang làm tất cả các công việc nặng nhọc nhất, từ làm việc trong các công trường xây dựng, bao gồm cả công trường cho Thế vận hội Paris vào mùa hè tới, cho đến các công việc trong nhà hàng và dọn dẹp nhà cửa thuê.
Dự thảo luật sẽ được thảo luận tại Quốc hội, Hạ viện Pháp, bắt đầu từ ngày 11/12 và có thể có hiệu lực vào đầu năm tới.
Dự luật nhập cư mới có thể siết chặt cơ chế tị nạn khi cho phép giảm bớt các thủ tục và thời gian xét đơn xin tị nạn, có thể trục xuất nhanh hơn những người bị bác đơn xin tị nạn mà không cần chờ đương sự kháng cáo. Đồng thời, dự luật khiến việc đoàn tụ gia đình cũng như viện trợ y tế cho người di cư trở nên phức tạp và hạn chế hơn.
Các trường hợp được coi là bất khả xâm phạm trước đây như đến Pháp trước năm 13 tuổi hoặc có thời gian sống trên 20 năm tại Pháp đều có thể bị rút giấy phép cư trú và bị trục xuất nếu nằm trong danh sách “đen” của các cơ quan an ninh Pháp.
Đó là lý do Siby và những người khác đã cùng nhau phản đối dự luật mà chính phủ Pháp cho rằng là một sự thỏa hiệp bao gồm các biện pháp cánh tả và cánh hữu.
Trước đây Pháp từng lên kế hoạch cấp thẻ xanh một năm cho những người làm việc trong các lĩnh vực thiếu lao động. Nhưng hiện nay, quyết định về giấy phép một năm này thuộc về chính quyền địa phương.
Kể từ vụ tấn công khủng bố gần đây của một người nhập cư Nga nhằm vào giáo viên người Pháp Dominique Bernard ở thị trấn Arras phía bắc, Chính phủ Pháp đưa ra luật này chủ yếu như một biện pháp bảo vệ chống lại tình trạng nhập cư và khủng bố ngoài kiểm soát. Tuy nhiên, người di cư, người tị nạn và các tổ chức viện trợ lo ngại các quy định mới có thể làm tăng tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử.
Trước những tranh cãi về dự luật nhập cư mới, ông Alexis Izard, nghị sĩ thời Phục hưng của khu vực Essonne phía nam Paris, cho biết dự luật cuối cùng sẽ được điều chỉnh cân bằng hơn.
“Hàng năm, chúng tôi cần trục xuất khoảng 4.000 người nhập cư bất hợp pháp đã phạm tội và điều đó cũng có thể thực hiện được với luật mới này”, ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng thủ tục trục xuất sẽ mất một thay vì hai năm sau những thay đổi.
Alain Fontaine, chủ nhà hàng Le Mesturet ở trung tâm Paris và là người đứng đầu Hiệp hội các chủ nhà hàng Pháp, bày tỏ mong muốn thẻ xanh một năm theo kế hoạch ban đầu sẽ được cấp lại và thậm chí được gia hạn.
“Các quán bar và nhà hàng sẽ không thể hoạt động nếu thiếu 25% lực lượng lao động nước ngoài trong số lực lượng lao động của chúng tôi”, ông Fontaine cho biết. Khoảng 12 trong số 27 nhân viên của ông là người nước ngoài.
Ahmada Siby bày tỏ: “Chúng tôi mong rằng chính phủ có thể hợp pháp hóa tất cả chúng tôi, để chúng tôi có thể tự do lựa chọn công việc mình muốn”.
Sau đó Siby nhìn lại những bức ảnh của chính mình cách đây 5 năm, khi anh đến Tây Ban Nha từ Maroc trên một chiếc thuyền bơm hơi nhỏ. Với anh, việc dành gần cả ngày để vượt biển là “thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời” bởi khi đó, mọi người trên thuyền gần như đã chết.
“Một khi bạn sống sót sau vụ này, bạn sẽ không bỏ cuộc. Tôi quyết tâm đấu tranh vì một tương lai tốt đẹp hơn”, Siby nói.
Hoài Phương (theo DW)