Chiều 8-12, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM hợp tác Quỹ Touchstone Partners và Temasek Foundation tổ chức chung kết cuộc thi Thách thức Net Zero 2023 (Net Zero Challenge). Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi dự chương trình.
Có 9 đội tham gia chung kết Thách thức Net Zero, để chọn ra 3 đội thắng cuộc. Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM sẽ hỗ trợ 3 ý tưởng xanh được chọn trong việc thí điểm tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, nhằm hỗ trợ triển khai thí điểm thành công trên diện rộng.
3 giải pháp chiến thắng cho 3 hạng mục, gồm: Alterno (Việt Nam) – Hệ thống lưu trữ năng lượng nhiệt giá rẻ sử dụng pin cát, thuộc hạng mục Năng lượng tái tạo và Trung hòa Carbon; Forte Biotech (Singapore/Việt Nam) – Xét nghiệm nhanh tại chỗ để phát hiện bệnh ở tôm, thuộc hạng mục Hệ thống lương thực và Nông nghiệp bền vững; AirX Carbon (Việt Nam) – Vật liệu thay thế nhựa làm từ thải sinh học với chi phí cạnh tranh, thuộc hạng mục Kinh tế tuần hoàn và Quản lý rác thải. Tổng giải thưởng hơn 15 tỷ đồng.
Ngoài ra, có hai giải Investment, mỗi giải trị giá 50.000 USD, thuộc về hai đơn vị là AirX Carbon và Alterno.
Cuộc thi Thách thức Net Zero ra mắt vào tháng 8-2023 bởi Quỹ Touchstone Partners (quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài hướng tới các nhà sáng lập startup công nghệ tại Việt Nam) và Temasek Foundation (một tổ chức phi lợi nhuận thuộc Quỹ Temasek, cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của chính phủ Singapore). Đây là cuộc thi mang tính chất quốc tế về giải pháp công nghệ chống biến đổi khí hậu, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM. Cuộc thi năm nay nhận được hơn 300 hồ sơ từ 45 quốc gia trên toàn thế giới. Trong đó, hạng mục nhận được nhiều hồ sơ nhất là Hệ thống thực phẩm và nông nghiệp bền vững.
Chín đội tham gia chung kết Thách thức Net Zero gồm:
Chủ đề 1: Năng lượng tái tạo và Trung hòa Carbon
Alterno (Việt Nam) – Hệ thống lưu trữ năng lượng nhiệt giá rẻ sử dụng pin cát.
Sierra Energy & NSEC (Mỹ/Việt Nam) – Sản xuất nhiên liệu từ rác thải hỗn hợp thông qua quá trình khí hóa.
VOX Cool (Anh Quốc) – Pin lạnh thông minh để giảm thải CO2 trong chuỗi lạnh.
Chủ đề 2: Hệ thống lương thực và Nông nghiệp bền vững
Forte Biotech (Singapore/Việt Nam) – Xét nghiệm nhanh tại chỗ để phát hiện bệnh ở tôm.
NEORICE (Việt Nam) – Quy trình canh tác gạo hữu cơ theo chuẩn USDA, tiết kiệm chi phí với phát thải.
Tepbac (Việt Nam) – Hệ thống nuôi trồng thủy sản và quản lý trang trại thông minh, chi phí thấp cho nông dân nhỏ lẻ.
Chủ đề 3: Kinh tế tuần hoàn và Quản lý rác thải
AirX Carbon (Việt Nam) – Vật liệu thay thế nhựa làm từ thải sinh học với chi phí cạnh tranh.
GreenPod Labs (Ấn Độ) – Giải pháp đóng gói sinh học để tăng thời hạn sử dụng của trái cây và rau quả.
Origo Eco (Malaysia) – Pallet vận chuyển sử dụng vỏ trấu và chất thải nông nghiệp.
MAI HOA