Hai thập kỷ trước, một nghiên cứu mang tính bước ngoặt do giáo sư – tiến sĩ Robert A. Emmons, nhà tâm lý học nổi tiếng của Mỹ, dẫn đầu đã tìm hiểu xem lòng biết ơn mang lại lợi ích gì cho mọi người và đã phát hiện nó có thể cải thiện sức khỏe tâm lý.
Cho đến nay, nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có lòng biết ơn, biết ơn những điều tốt đẹp trong cuộc sống và bày tỏ lòng biết ơn với người khác, có tác động tích cực đến những gì bạn suy nghĩ và cảm nhận, theo trang tin Live Well.
Tiến sĩ Emmons cho biết lòng biết ơn giúp chữa lành, tiếp thêm sinh lực và làm thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tích cực.
Lòng biết ơn là cảm xúc nảy sinh khi bạn nhận ra rằng bạn có được những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nhưng tiến sĩ Philip Watkins, giáo sư tâm lý học tại Đại học Eastern Washington (Mỹ), lưu ý: Cảm xúc đó chỉ là một nửa vấn đề. Ông cho biết, bày tỏ lòng biết ơn cũng quan trọng không kém để thu được những lợi ích thật sự.
Nhiều nghiên cứu đã yêu cầu người tham gia viết thư cảm ơn hoặc liệt kê những điều tích cực trong cuộc sống của họ, sau đó đo lường tác động của những hành động này.
Kết quả cho thấy làm những hành động bày tỏ lòng biết ơn như vậy mang lại lợi ích cho sức khỏe tâm thần, giảm các triệu chứng trầm cảm và lo lắng, tăng lòng tự trọng và cải thiện sự hài lòng với cuộc sống hằng ngày, theo Live Well.
Và lòng biết ơn không chỉ cải thiện hạnh phúc của người cho và người nhận, mà còn có thể tốt cho cả những người chứng kiến điều đó. Chứng kiến hành động biết ơn giữa 2 người sẽ khiến bạn cảm thấy ấm áp và yêu cuộc sống hơn.
Tiến sĩ Emmons cho biết: Điều khiến tôi ấn tượng là những kết quả khách quan, có thể kiểm chứng về mặt sinh học. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy lòng biết ơn cũng giúp giảm huyết áp và biểu hiện mức thay đổi nhịp tim cao hơn – một dấu hiệu của hạnh phúc.
Tiến sĩ Sara Algoe, giáo sư tâm lý xã hội người Mỹ, nói rằng lòng biết ơn là “món quà không ngừng trao đi”, tiếp tục mang lại lợi ích trong thời gian dài.
Để biến lòng biết ơn trở thành thói quen lâu dài, hãy thử liên kết việc thực hành lòng biết ơn của bạn với một thói quen đã ăn sâu, ví dụ nghĩ về những điều biết ơn vào buổi sáng.
Tiến sĩ Gretchen Schmelzer, nhà tâm lý học ở Philadelphia (Mỹ), khuyên hãy biết ơn những gì có thể, đừng để bản thân tập trung vào những điều không thể.
Tiến sĩ Schmelzer nói thêm: Lòng biết ơn cho phép chúng ta nhìn vào những gì chúng ta có và cảm thấy đủ.