Trước đó, ít nhất 80 quốc gia bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu và nhiều nước nghèo, dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu yêu cầu thỏa thuận COP28 kêu gọi rõ ràng việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong tuyên bố chung của hội nghị này.
Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber của nước chủ nhà UEA đã yêu cầu các quốc gia vào cuối ngày thứ Bảy tăng tốc trong việc để tìm ra thỏa thuận cuối cùng, nói rằng “vẫn còn nhiều lĩnh vực khác biệt hơn là đồng thuận”.
Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais trước đó cho biết trong một lá thư được đọc tại hội nghị rằng: “Chúng ta cần những giải pháp thực tế để giải quyết vấn đề phát thải… cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp xóa đói giảm nghèo và đồng thời tăng khả năng phục hồi”.
Đầu tuần này, nhóm các nước sản xuất dầu mỏ OPEC đã gửi thư kêu gọi các thành viên từ chối bất kỳ đề cập nào liên quan đến nhiên liệu hóa thạch trong thỏa thuận ở hội nghị COP28
Theo Alden Meyer thuộc tổ chức nghiên cứu về biến đổi khí hậu E3G, đây là lần đầu tiên Ban thư ký của OPEC can thiệp vào các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc bằng một lá thư như vậy. “Nó cho thấy một chút hoảng loạn”, ông nói.
Các quốc gia khác bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ chưa xác nhận rõ ràng việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch tại COP28, nhưng đã ủng hộ lời kêu gọi phổ biến về việc thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Đặc phái viên về khí hậu hàng đầu của Trung Quốc, Xie Zhenhue, mô tả hội nghị thượng đỉnh về khí hậu năm nay là khó khăn nhất trong sự nghiệp của ông. Ông nói với các nhà báo: “Tôi đã tham gia các cuộc đàm phán về khí hậu này trong 16 năm. Cuộc họp khó khăn nhất là năm nay. Có rất nhiều vấn đề cần giải quyết”.
Ông cho rằng có rất ít khả năng hội nghị COP28 sẽ thành công nếu các quốc gia không thể thống nhất ngôn ngữ về tương lai của nhiên liệu hóa thạch.
Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ, Bhupender Yadav, yêu cầu “công bằng” trong bất kỳ thỏa thuận nào, cho rằng các nước giàu nên dẫn đầu hành động về khí hậu toàn cầu.
Một đại diện của Nga cho biết trong một bài phát biểu rằng Moscow đang xem xét liệu một phần trong số khoảng 300 tỷ USD dự trữ vàng bị phương Tây đóng băng có nên được sử dụng cho quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” hay không.
Với việc hội nghị COP28 dự kiến kết thúc vào thứ Ba (12/12), các lãnh đạo và quan chức cấp cao của gần 200 quốc gia đang có mặt ở Dubai rõ ràng còn rất ít thời gian để giải quyết tình trạng bế tắc về nhiên liệu hóa thạch.
Huy Hoàng (theo COP28, Reuters, AFP)