Ứng dụng công nghệ phục vụ tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật
Việc ứng dụng công nghệ của các cơ quan báo chí góp phần quan trọng trong việc thực hiện truyền thông chính sách pháp luật một cách nhanh chóng, đầy đủ. Giúp từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật của Nhà nước ngay trong quá trình dự thảo xây dựng được nhân dân đồng thuận, góp ý kiến trên tinh thần cởi mở, công khai, minh bạch.
Xác định tầm quan trọng đó, tại báo Pháp luật Việt Nam, trong thời gian qua đã luôn xác định vai trò không thể tách rời, có tính chất quyết định của công nghệ trong hoạt động đặc thù của loại hình báo chí điện tử. Báo Pháp luật Việt Nam đã có nhiều đổi mới trên các ấn phẩm điện tử như: báo Pháp luật Việt Nam điện tử (baophapluat.vn); Pháp luật Plus (phapluatplus.vn), Truyền hình Pháp luật (tvphapluat.vn), Pháp luật Media (phapluatmedia.vn) và Trung tâm Mạng xã hội quản lý các nền tảng Mạng xã hội của Báo và Mạng xã hội Cộng đồng pháp luật (congdongphapluat.vn).
Tất cả các ấn phẩm điện tử của Báo đều được ứng dụng hệ thống CMS quản trị hiện đại, giúp các phóng viên, biên tập viên có thể làm tin, bài ở mọi nơi trên cả máy tính (destop) và điện thoại (mobile). Thông qua hệ thống CMS, các thư ký và lãnh đạo Báo cũng dễ dàng thực hiện công tác quản lý các tin, bài.
Báo cũng ứng dụng nhiều nền tảng công nghệ mới vào việc giáo dục, phổ biến pháp luật. Như chuyên mục “Gương sáng pháp luật” trên Podcast của Báo Pháp luật Việt Nam đã chú trọng đến việc giới thiệu các cá nhân, tổ chức có thành tựu đáng kể trong việc tuân thủ và thực hiện pháp luật. Những gương sáng này không chỉ là những người đã thành công trong lĩnh vực pháp luật, mà còn là những người mang lại sự minh bạch, công bằng và đóng góp tích cực vào việc phát triển xã hội.
Tuy nhiên, nhà báo Vũ Hoài Nam -Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cũng cho rằng: các cơ quan báo chí, với tư cách là các cơ quan thông tin, tuyên truyền của Đảng, nhà nước cần phải ý thức trách nhiệm cao với đất nước và cũng vì chính sự tồn tại và phát triển của mình trong kỷ nguyên công nghệ 4.0.
“Bức tranh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí còn rất nhiều bất cập, tồn tại từ nhận thức về chuyển đổi số đến nguồn nhân lực, cơ sở vật chất… Không ít các nhà quản lý báo chí, cơ quan báo chí chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số cũng như là nhận thức về con đường, lối đi, cách đi trong chuyển đổi số báo chí. Đây là những vấn đề cần khắc phục nhanh để công cuộc chuyển đổi số đạt hiệu quả như mong muốn”, Nhà báo Vũ Hoài Nam chia sẻ.
Tương tự, tại Đài Tiếng nói Việt Nam với vai trò là cơ quan báo chí chủ lực, ngoài việc làm tốt công tác truyên truyền Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Đảng và Chính phủ. Đài cũng luôn coi trọng và quyết liệt thực hiện công cuộc Chuyển đổi số tại đơn vị, đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Ban Xây dựng đề án chuyển đổi số xây dựng kế hoạch triển khai quyết liệt và đồng bộ trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
Qua nhiều kênh truyền thông khác nhau mà việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đài cũng mang lại hiệu quả. Khối Nội dung với xu thế đa loại hình báo chí hiện nay đều có hệ thống dịch vụ truyền thông phong phú, có tính tương tác cao, cung cấp cho người dùng mạng qua Web, App, OTT, quảng bá trên mạng xã hội, qua các hệ thống Streamming, Live, YouTube, FaceBook, Tiktok…
Đồng hành cùng công cuộc chuyển đổi số quốc gia, Đài đã tiên phong hỗ trợ định hướng chuyển đổi số ngành phát thanh, đảm bảo thực hiện xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Báo chí truyền thông cần có công cụ giúp hiểu thị hiếu độc giả
Nhiều cơ quan báo chí đã tăng cường thông tin xây dựng, phản biện xã hội để đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn. Qua nhiều cách tiếp cận bạn đọc khác nhau công tác tuyên truyền, phổ biến của các cơ quan truyền thông được thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng khắp.
Hay như gần đây nhiều cơ quan báo chí đã mở chuyên mục mới để người dân góp ý kiến về các nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Những ý kiến đóng góp được các cơ quan báo chí ghi nhận từ người dân sẽ góp phần phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Tuy nhiên, để nâng cao được hiệu quả tuyên truyền chính sách pháp luật của nhà nước đến người dân được hiệu quả, việc chuyển đổi số phải là xu hướng tất yếu và là việc cần phải làm của mỗi cơ quan báo chí. Chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số nhằm thay đổi toàn diện hoạt động trong ngành báo chí. Mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên, cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi cần có những giải pháp đúng trọng tâm.
Để mỗi cơ quan báo chí chuyển đổi số từ đó tăng cường công tác tuyên truyền chính sách pháp luật một cách hiệu quả nhất, bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí trong thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí gắn với việc thực hiện nghiêm quy định pháp luật về báo chí, đặc biệt là thực hiện tôn chỉ, mục đích.
Các tòa soạn thực hiện chuyển đổi số thay đổi toàn diện hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nội dung và giảm chi phi phí vận hành, sản xuất, phân phối, từ đó hình thành mô hình kinh doanh mới, hiệu quả. Báo chí truyền thông cần có công cụ giúp hiểu thị hiếu và hành vi của độc giả để cá nhân hóa thông tin.
“Ngoài ra, các tờ báo cần phải có mô hình kinh doanh quảng cáo hiệu quả, bằng cách ứng dụng công nghệ vào việc quản lý vận hành và sản xuất nội dung, đưa nội dung tiếp cận tới độc giả. Bổ sung các quy định liên quan đến mô hình cơ quan báo chí hội tụ, đa nền tảng, đa phương tiện với các loại hình sản phẩm báo chí, truyền thông, phương thức truyền dẫn mới… nhằm tạo hành lang pháp lý cụ thể hơn cho các cơ quan báo chí trong quá trình triển khai, thực hiện” – bà Đặng Thị Phương Thảo chia sẻ.